1(1).png

Ngày nay, nhắc đến giới thương nhân, nhắc đến thương trường tại Việt Nam, không chỉ có sự hiện diện của nam giới, mà đã có rất nhiều nữ doanh nhân quyền lực tại các doanh nghiệp. Họ là không còn là phái yếu đơn thuần, mà trên thương trường, họ được nhắc tới như những “nữ tướng”.

Tháng 3 – tháng của phụ nữ với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi có tuyến bài viết Hồ sơ nữ doanh nhân nhằm điểm danh, tôn vinh những nữ tướng trên thương trường. Bài này, chúng tôi nói về nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung.

Nhắc tới nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, giới thương nhân liên tưởng ngay tới một nữ tướng trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý, gắn liền với tên tuổi và sự phát triển của thương hiệu trang sức PNJ tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán PNJ).

Trước khi gắn bó sự nghiệp của mình cùng PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung từng làm việc ở nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có cả ngành ngân hàng ở cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á.

2(1).png

Bà Cao thị Ngọc Dung sinh tháng 10/1957. Bà tốt nghiệp hệ cử nhân kinh tế thương nghiệp tại Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983 bà có 2 năm công tác tại Công ty Thương nghiệp tổng hợp Phú Nhuận trước khi về làm trưởng phòng kế hoạch tại Công ty Nông sản thực phẩm quận Phú Nhuận vào năm 1995. Cũng chỉ 2 năm sau đó bà lại được bổ nhiệm vị trí Giám đốc của Công ty Thương mại Phú Nhuận.

Năm 1988 cửa hàng kinh doanh Vàng bạc đá quý Phú Nhuận được thành lập, trực thuộc UBND quận Phú Nhuận. Lúc đó bà Cao Thị Ngọc Dung đã công tác nhiều năm tại công ty thương nghiệp, từng là trưởng phòng kế hoạch của Nông sản thực phẩm. Khi cửa hàng vàng bạc được thành lập, bà Dung được cử giữ vị trí Giám đốc. Đối với thời điểm này, bà Cao Thị Ngọc Dung từng hồi tưởng “cuối những năm 80, nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc theo mô hình thí điểm để chính thức đưa ngành này thành một sản phẩm hàng hóa không còn bị cấm đoán như trước”. “Ngày đó tôi còn trẻ và được giao nhiệm vụ thành lập công ty này” – bà Dung nhớ lại.

Cũng phải nói thêm rằng năm 1988 khi thành lập, ngành kinh doanh vàng bạc đá quý còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu và cơ chế thị trường lúc đó. Đồng hành cùng cửa hàng từ thời sơ khai, đến 1992 Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ra đời.

Nhớ lại cột mốc đáng 1992, bà Cao Thị Ngọc Dung từng kể lại “năm 1992, đây là cột mốc vừa thách thức, vừa khẳng định chúng tôi khi thành phố có giới thiệu cho PNJ một đối tác của Úc để thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa. Thời điểm đó, tôi lại đặt ra câu hỏi tại sao mình phải liên doanh". Và với bản tính cẩn thận, bà Dung đã đề nghị được qua nước bạn để xem xét, học hỏi và cuối cùng quyết định không liên doanh. Ngay sau đó bà Dung cho nhập máy móc để có những sản phẩm đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Bà Cao Thị Ngọc Dung đã tiến bước tiến lớn: xác định chiến lược kinh doanh của công ty là trở thành nhà sản xuất trang sức chuyên nghiệp.

Tại thời điểm này PNJ còn mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc sáng lập Ngân hàng Đông Á với tỷ lệ vốn góp 40%. Duyên nợ với ngành ngân hàng của bà Ngọc Dung bắt đầu từ đây.

3(1).png
4(1).png

Duyên nợ với ngành ngân hàng của bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu từ năm 1992 khi Ngân hàng TMCP Đông Á thành lập.

Lúc đó bà Ngọc Dung cùng chồng là ông Trần Phương Bình là những người gắn kết cùng ngân hàng từ những ngày sơ khai. Đây cũng là thời điểm Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận nơi bà Ngọc Dung làm lãnh đạo bước vào thời kỳ phát triển mới. Bà Ngọc Dung đồng thời làm Chủ tịch HĐQT Ngân Hàng Đông Á (từ năm 1992 đến 1997) và lãnh đạo cao nhất tại PNJ. Đến 1997 bà Ngọc Dung mới rút lui khỏi các chức vụ tại Ngân hàng Đông Á, về tập trung công việc tại PNJ.

Nói là duyên nợ với ngành ngân hàng cũng không hề sai. Cái duyên đến với ngành ngân hàng của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng là cái “nợ” cả đời – là câu chuyện liên quan đến chồng bà – ông Trần Phương Bình.

Ông Trần Phương Bình cùng gắn kết với Ngân hàng Đông Á từ khi thành lập. Ông được cử giữ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á từ năm 1998 và tại vị trong nhiều năm.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2015 khi Nhà nước có thông tin chính thức về kết luận thanh tra toàn diện, quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng Đông Á. Kết quả thanh tra lúc đó cho thấy, từ 2012 trở về trước Ngân hàng Đông Á đã có nhiều vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh. Số liệu ghi nhận đến hết tháng 6/2015 – trước thời điểm bị đình chức, ông Trần Phương Bình đang sở hữu 15 triệu cổ phần tại Ngân hàng Đông Á (tỷ lệ 3%).

5.png

Dù không còn là lãnh đạo tại Đông Á Bank, nhưng lúc đó PNJ cũng đang là cổ đông lớn của ngân hàng này, nên những sóng gió liên quan đến ông Trần Phương Bình và Đông Á Bank cũng ảnh hưởng rất lớn đến PNJ. Thậm chí nhiều đồn đoán PNJ khó mà vượt qua cửa ải này. Không chỉ vậy, năm 2015 cũng đang trong thời kỳ khó khăn của ngành kinh doanh vàng, trang sức. Tuy vậy bà Cao Thị Ngọc Dung đã vững tâm cùng các lãnh đạo PNJ đưa công ty bình an vượt qua sóng gió và dư luận.

6.png

Nói về PNJ, dưới sự lãnh đạo của bà Cao Thị Ngọc Dung đã dần mở rộng mạng lưới ngành nghề, kinh doanh theo chiến lược sản xuất trang sức với thương hiệu PNJ và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, lấy được sự yêu mến của người tiêu dùng.

Năm 2004 PNJ thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp kinh tế Đảng thành Công ty cổ phần. Đây cũng là thời điểm PNJ tập trung xây dựng thương hiệu với nhãn hàng trang sức PNJ. Bà Cao Thị Ngọc Dung được tín nhiệm ở vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.

7.png

Những năm này, doanh thu công ty cũng tăng trưởng nhanh chóng, từ dưới 1.800 tỷ đồng trước năm 2006 đã nhanh chóng vượt 4.100 tỷ đồng vào năm 2008 và bùng nổ vào năm 2009 với doanh thu vượt 10.200 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh, từ mức khoảng 30 tỷ đồng của năm 2006 đã nhanh chóng vượt 100 tỷ đồng, lên 220 tỷ đồng vào năm 2009.

Năm 2009 cũng là năm để lại dấu ấn quan trọng khi PNJ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán, mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng việc thành lập công ty thời trang CAO và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh đồng hồ của các nhãn hiệu nổi tiếng tại hệ thống PNJ.

Dưới sự dẫn dắt của bà Cao Thị Ngọc Dung cùng sự mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2011 của PNJ nhanh chóng áp sát mức 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt xấp xỉ 258 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu năm 2011, riêng doanh thu bán trang sức đã tăng hơn 32% so với năm 2010, đạt hơn 17.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 96% tổng doanh thu.

8.png

Những năm này, doanh thu công ty cũng tăng trưởng nhanh chóng, từ dưới 1.800 tỷ đồng trước năm 2006 đã nhanh chóng vượt 4.100 tỷ đồng vào năm 2008 và bùng nổ vào năm 2009 với doanh thu vượt 10.200 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng trưởng mạnh, từ mức khoảng 30 tỷ đồng của năm 2006 đã nhanh chóng vượt 100 tỷ đồng, lên 220 tỷ đồng vào năm 2009.

Năm 2009 cũng là năm để lại dấu ấn quan trọng khi PNJ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán, mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng việc thành lập công ty thời trang CAO và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh đồng hồ của các nhãn hiệu nổi tiếng tại hệ thống PNJ.

Dưới sự dẫn dắt của bà Cao Thị Ngọc Dung cùng sự mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2011 của PNJ nhanh chóng áp sát mức 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt xấp xỉ 258 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu năm 2011, riêng doanh thu bán trang sức đã tăng hơn 32% so với năm 2010, đạt hơn 17.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 96% tổng doanh thu.

9.png

Tuy vậy từ 2012 doanh thu PNJ giảm mạnh và chững lại những năm tiếp theo đó, lợi nhuận cũng không duy trì được mức cao, do tình hình kinh doanh vàng, trang sức nói chung gặp khó. Thậm chí năm 2016 là năm khó khăn nhất do ảnh hưởng kép của vụ việc Ngân hàng Đông Á, khiến lợi nhuận PNJ một lần nữa về dưới trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức năm 2012 của toàn thế giới cũng giảm 3%, thị trường Việt Nam sụt giảm 12%, nhu cầu vàng cho mục đích đầu tư giảm 24%.

Tại Việt Nam, những năm này cũng là thời điểm then chốt khi thị trường vàng chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là sự thay đổi trong chính sách nhà nước về quản lý điều hành thị trường khiến tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng giảm mạnh – điều này góp phần không nhỏ vào việc ổn định cung – cầu của thị trường vàng. Đây cũng là thời điểm kết thúc chu kỳ tăng kéo dài của giá vàng trong hơn 1 thập kỷ trước đó. Tuy vậy cũng nhờ chính sách mới của chính phủ với mục tiêu quản lý hiệu quả thị trường vàng đã phần nào tạo được lợi thế và thách thức cho các doanh nghiệp cùng ngành.

PNJ cũng vậy, thời điểm then chốt này, nhờ chính sách điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung cùng ban lãnh đạo, PNJ vẫn đứng vững, tái cơ cấu thành công và chiếm được một vị thế vững chắc trong lòng người tiêu dùng nhờ chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả nhờ xây dựng hệ thống kênh bán lẻ quy mô, rộng khắp.

10.png

Vượt qua bão tố, kiên trì chiến lược xây dựng kênh bán lẻ quy mô. Đến năm 2016 kênh phân phối bán lẻ của PNJ đã có 219 cửa hàng bao gồm 108 cửa hàng độc lập và 111 cửa hàng tại các trung tâm thương mại.

Còn kênh phân phối bán sỉ có gần 3.000 khách hàng. Ngoài ra kênh bán hàng trực tuyến cũng đã mang về hàng chục tỷ đồng doanh thu. Ở kênh xuất khẩu, PNJ đã vươn tầm thế giới, xuất khẩu đến 13 quốc gia ở 4 châu lục khác nhau.

11.png

Với hệ thống kênh phân phối đa dạng, rộng khắp, PNJ ngày càng tiếp cận các đối tượng khách hàng một cách quy mô và chuyên nghiệp hơn, minh chứng cho sự nhanh nhạy trong chiến lược phát triển của công ty.

Kết quả trên cho thấy tỷ trọng doanh thu bán lẻ trang sức dần phát triển theo đúng định hướng chiến lược mà HĐQT và Ban TGĐ đề ra.

12.png

Sau những biến cố, sau những khó khăn chung, thị trường vàng, trang sức dần khởi sắc vào năm 2017. PNJ cũng bắt đầu bắt nhịp tăng trưởng. Doanh thu năm 2017 đã tăng vọt, đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 61% so với năm 2016, lên trên 700 tỷ đồng.

Những năm sau đó doanh thu PNJ tăng trưởng nhanh chóng, năm 2019 đạt 17.000 tỷ đồng. Tuy vậy phải đến năm 2021 mới có thể “vượt lại đỉnh” năm 2011, đạt trên 19.500 tỷ đồng. Năm 2022 vừa qua PNJ một lần nữa thiết lập kỷ lục mới, ghi dấu ấn trong ngành với doanh thu đạt 33.876 tỷ đồng (tăng 73,3% so với năm 2021).

13.png

Xét về lợi huận, từ năm 2019 PNJ đã đạt gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng đột biến so với giai đoạn khó khăn trước đó. Mức lãi nghìn tỷ của PNJ vẫn duy trì liên tục đến nay. Đặc biệt năm 2022 PNJ lãi đột biến sau thuế hơn 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng trên 75% so với năm 2021.

14.png

Không chỉ kết quả kinh doanh, tài sản của PNJ cũng gia tăng nhanh chóng, từ mức dưới 3.000 tỷ đồng năm 2015, đã vượt 10.000 tỷ đồng năm 2021, và đạt trên 13.300 tỷ đồng vào năm 2022. Cơ cấu nớ phải trả/tổng tài sản cũng duy trì tỷ lệ tốt.

15.png

Hiện tại, tại PNJ, gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn còn sự góp mặt của cô con gái Trần Phương Ngọc Thảo – nhân tố mới, làn sóng mới đối với PNJ.

Trần Phương Ngọc Thảo có trong tay hai tấm bằng danh giá tại 2 đại học hàng đầu: Bằng Cử nhân kinh tế và quản trị kinh doanh, đại học Oxford, Vương Quốc Anh, và bằng Tiến sỹ kinh tế học của Đại học Harvard Hoa Kỳ.

Về đường sự nghiệp, bà Trần Phương Ngọc Thảo từng theo nghiệp đèn sách, năm 2010 – 2013 là Giảng viên Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012 bà được cử giữ cương vị Giám đốc quản lý dự án Ngân hàng TMCP Đông Á, nhưng cũng chỉ 2 năm, đến năm 2013 bà rời Ngân hàng Đông Á. Thời điểm đó ông Trần Phương Bình đang tại vị ở vị trí Tổng Giám đốc.

Giai đoạn 2015-2018 bà Trần Phương Ngọc Thảo quyết định phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, cũng trong ngành ngân hàng, làm quản lý tại ANZ Banking Group, Úc. Mãi đến năm 2019 bà về nước, tham gia công tác tại PNJ với chức vụ Giám đốc cao cấp, chuyên về chuyển đổi số hóa tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Từ tháng 6/2020 bà Trần Phương Ngọc Thảo được trúng cử Thành viên HĐQT tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.

Về với PNJ chưa bao lâu, bà Trần Phương Ngọc Thảo đã xây dựng hệ thống chuyển đổi số tại PNJ ngày một hoàn thiện thông qua việc tối ưu hóa bán hàng đa kênh, mô hình cửa hàng hỗn hợp đa kênh, bán hàng qua kinh doanh trực tuyến, khuyến khích khách hàng thanh toán không tiền mặt thông qua các ví điện tử VnPay, Momo...

16.png

Ngoài việc là lãnh đạo, điều hành PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung còn kiêm nhiệm thêm những chức danh khác như là chủ tịch Hội nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE).

Tham gia điều hành PNJ nhiều năm, dù ông Trần Phương Bình trải qua biến cố với Ngân hàng Đông Á, gây thất thoát lớn và đền bù thiệt hại. Tuy vậy đến nay, số liệu ghi nhận khối tài sản liên quan gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung cũng đang có hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo quản trị PNJ ghi nhận đến 31/12/2022 gia đình bà Cao Thị Ngọc Dung, bao gồm bà và 3 cô con gái, cùng em trai và các thành viên khác đang sở hữu khoảng 36 triệu cổ phiếu PNJ. Ước tính chỉ bà Ngọc Dung, 3 cô con gái và em trai sở hữu khoảng 35,8 triệu cổ phiếu PNJ, đang có giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng.

Trong số đó, bản thân bà Cao Thị Ngọc Dung đang nắm khoảng 6,67 triệu cổ phiếu PNJ, trị giá hơn 500 tỷ đồng. Con gái Ngọc Thảo sử hữu khối tài sản hơn 460 tỷ đồng. hai cô con gái còn lại sở hữu nhiều hơn, tổng xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Riêng em trai Cao Ngọc Duy cũng sở hữu khối cổ phiếu PNJ trị giá hơn 500 tỷ đồng.

                                                                                               Bài viết: Hồ Nga

                                                                                               Thiết kế: Bảo Lân

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ho-so-nu-doanh-nhan-cao-thi-ngoc-dung-thanh-cong-cua-pnj-bat-dau-bang-chu-tai-sao-va-cuoc-doi-toi-cung-vay-172842.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Hồ sơ nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung: Thành công của PNJ bắt đầu bằng chữ "tại sao", và cuộc đời tôi cũng vậy
    POWERED BY ONECMS & INTECH