Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết 9.419 doanh nghiệp kinh doanh vàng tương đương 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hoá đơn điện tử.
9.419 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã áp dụng hoá đơn điện tử
Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn” trong triển khai đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, 9.419 doanh nghiệp, tương đương 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, có 7.225 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 1,34 triệu hóa đơn.
Trước đó, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa chiều 16/5/2024, Thủ tướng yêu cầu đến ngày 15/6, doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép.
Yêu cầu về hóa đơn điện tử được Chính phủ đưa ra nhiều lần, trong bối cảnh lúc bấy giờ các giao dịch mua bán kim loại quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu minh bạch.
Thực tế trước khi Thủ tướng yêu cầu, các cơ sở kinh doanh tại nhiều địa phương bán nữ trang không có hóa đơn, người dân trả tiền mặt trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp thuế theo hình thức khoán. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng, gây thất thu thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc tại hội nghị, nguồn: baochinhphu.vn |
Đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế
Tại hội nghị sơ kết hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết: Phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng 4.0. Hiện nay, thương mại điện tử của Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công Thương, là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Và Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Từ đó đặt ra yêu cầu về quản lý thuế, quản lý về chất lượng hàng hóa, chống lừa đảo. Thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh và chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử, chống thất thu thuế. Đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 56 ngày 26/6/2024.
Có 4 nội dung giao cho Bộ Tài chính đã được thực hiện quyết liệt và đạt những kết quả tích cực.
Về hoàn thiện pháp lý, hiện nay Bộ Tài chính đang thực hiện việc định danh và xác thực điện tử; thực hiện các nghị định 72 năm 2013, Nghị định 59 và rà soát lại các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.
Về xây dựng và chia sẻ dữ liệu, hiện nay việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3/6/2024 đã đạt 97,57%. Đây là một sự tích cực của ngành tài chính bởi phải làm sạch dữ liệu, tập hợp dữ liệu, công nghệ phù hợp thì mới chia sẻ được.
Về kê khai, nộp thuế, Bộ Tài chính đã áp dụng định danh và xác thực điện tử đối với: cá nhân thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế; dịch vụ chữ ký số, viễn thông, tên miền; cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; đang triển khai khuyến khích các sàn giao dịch TMĐT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Về kết quả quản lý thuế với thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai hóa đơn điện tử, máy khởi tạo tính tiền, Bộ Tài chính đã triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đến nay đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn.
>>Hôm nay Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá vàng bán ra bao nhiêu?