Khi lựa chọn đầu tư cổ phiếu, ngoài tìm kiếm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, nợ không quá nhiều, yếu tố ban lãnh đạo, cổ tức và tăng vốn cũng rất quan trọng đối với nhà đầu tư chứng khoán.
Theo vietstock, nhà đầu tư cần xem xét việc ban lãnh đạo doanh nghiệp có sở hữu phần lớn doanh nghiệp họ đang điều hành hay không bởi khi đó, lợi ích của họ sẽ gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu doanh nghiệp có cổ đông lớn là các tổ chức, quỹ đầu tư độc lập (đối trọng với nhóm cổ đông ban lãnh đạo, tránh việc tư lợi cá nhân) hay không? Có bao nhiêu tổ chức đang nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp, số lượng cổ phiếu nắm giữ có tăng thêm gần đây?
Cùng với đó, cũng cần chú ý xem ban lãnh đạo có những giao dịch lớn với các bên liên quan, thành viên gia đình không?
Thực tế, tình trạng ban lãnh đạo doanh nghiệp làm giá cổ phiếu, đưa mức giá vượt quá giá trị của doanh nghiệp vẫn thưởng xuyên xảy ra ở rất nhiều doanh nghiệp. Bằng mọi cách, họ chỉ muốn “dụ” những cổ đông ngắn hạn, không hiểu gì về bản chất của doanh nghiệp, nhằm trục lợi. Vì thế, khi tham gia đầu tư, nhà đầu tư phải thực sự hiểu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, rủi ro đi kèm. Với những doanh nghiệp có “tiếng xấu”, tốt nhất nên tránh xa, dù bạn có thể thấy giá cổ phiếu liên tục tăng.
Với vấn đề cổ tức, nhà đầu tư cần tìm hiểu thực trạng trả cổ tức tại các doanh nghiệp cụ thể; doanh nghiệp có chia cổ tức tiền mặt hay không?
Có 2 cách để kỳ vọng lợi nhuận trong đầu tư là: Giá tài sản tăng và những khoản thu nhập mà tài sản đó mang lại. Trong chứng khoán, cổ tức tiền mặt cho thấy doanh nghiệp “có lãi” và dòng tiền kinh doanh khả quan. Nếu một doanh nghiệp làm ăn tốt, liên tục tăng trưởng lợi nhuận, tại sao không chi một phần tiền ấy dưới dạng cổ tức cho cổ đông?
Cùng với việc trả cổ tức, nhà đầu tư cũng nên chú ý và tránh xa các doanh nghiệp thường xuyên và liên tục phát hành cổ phiếu mới để trả cổ tức và tăng vốn. Trường hợp doanh nghiệp liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu thì nhiều khả năng họ không có tiền mặt. Số lượng cổ phiếu chỉ tăng lên về mặt sổ sách, song giá trị nhà đầu tư hay doanh nghiệp nhận được từ việc này gần như bằng 0. Hơn nữa, việc chia cổ phiếu liên tục còn pha loãng EPS vô hình chung làm mất sức hấp dẫn của cổ phiếu về định giá.