Nhiều doanh nghiệp hiện đã cạn kiệt dòng tiền và phải bán các tài sản cuối cùng để duy trì hoạt động, nhưng chỉ cần tiền có thể được bơm ra nền kinh tế thì tổng cầu sẽ tăng và kích thích tăng trưởng.
Tính đến ngày 25/4/2023,tín dụng bơm ra nền kinh tế mới đạt khoảng 3,07%, huy động nguồn vốn đạt trên 2% và đặc biệt, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng tính trên cung tiền M2 đã sụt giảm xấp xỉ 6%, tương đương 300.000 tỷ đồng. Bởi dòng tiền cạn kiệt nên có những khoản tiền mặt nào trên tài khoản, các doanh nghiệp đều phải dùng chi trả cho các nhu cầu cấp bách trước mắt.
Chúng ta đều thấy rõ, cả năm 2022 tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chỉ trên 6%, trong khi nền kinh tế tăng trưởng khoảng 8,02%, cộng với lạm phát 3,4% thì đáng lẽ M2 phải tăng trưởng tối thiểu 11-12%, nhưng con số lại thấp kỷ lục chỉ 5,5%.
Tất cả những yếu tố này đều là biểu hiện cho thấy nền kinh tế đang rất thiếu tiền, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt dòng tiền và phải bán các tài sản cuối cùng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, các ngân hàng đã cho vay vượt quy định Basel II, ở mức trên 80% đối với vốn huy động thị trường một. Nghĩa là ngân hàng nào muốn cho vay được thì phải huy động được vốn từ thị trường một, nhưng tiền gửi của doanh nghiệp sụt giảm gần 60%, tiền gửi của người dân tăng một chút giúp bù đắp không đáng kể phần thiếu của doanh nghiệp. Thực tế các ngân hàng đang bị hụt hẫng khi không đáp ứng được tiêu chí quản trị rủi ro của Basel II.
Một vấn đề nữa là toàn bộ số tiền của các ngân hàng thương mại dồn trên tài khoản thừa thanh khoản thì một phần nguyên nhân là do khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp không đủ, vì vậy ngân hàng quay trở lại mua tín phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ. Cho nên tiền mua trái phiếu Chính phủ trong những ngày đấu thầu gần đây là mấy chục nghìn tỷ đồng, nhưng sau khi đấu thầu xong thì tiền lại bị “nhốt” về ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, toàn bộ tiền này không nằm trong bộ phận M2, các ngân hàng tưởng rằng có nguồn vốn để cho vay nhưng thực tế là không và hệ số nhân tiền ở Việt Nam vô cùng thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có ba lần hạ lãi suất nhưng cung tiền không tăng thì nền kinh tế sẽ vẫn thiếu tiền.
Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, nhưng nếu người dân gửi tiền thì các ngân hàng sẽ đều có những cách thức để hút vốn của người dân bằng con đường khuyến mại, chi thưởng bên ngoài. Do đó, chúng ta cần phải nhìn sâu vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, đó là câu chuyện các ngân hàng trở thành kênh huy động vốn cho các ông chủ của những tập đoàn kinh tế lớn.
Đáng chú ý là vốn chủ yếu tập trung cho các công ty sân sau, chảy vào bất động sản mà bằng chứng rõ nhất là dư nợ của bất động sản vào cuối năm 2022 đã tăng trưởng rất cao (15,8%). Điều này dẫn đến tình trạng khi bong bóng bất động sản xì hơi thì tiền sẽ không thể chảy ra và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, không vay được vốn cũng làm cho tín dụng không thể tăng.
Có thể thấy, nhiều dự án sản xuất kinh doanh, đầu tư vào công nghệ thì không tiếp cận được vốn, bởi vì chỉ số IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) không đáp ứng được lãi suất ngân hàng; chỉ những doanh nghiệp bất động sản hoặc kinh doanh kiểu bong bóng tài chính lấy tiền của người sau trả cho tiền cho người trước, có thể khiến hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn.
Một bài học rất rõ là năm 2011-2012 khi nợ xấu ngân hàng “ục” ra, mà phải 10 năm sau chúng ta mới bắt đầu phục hồi lại. Điều đó cho thấy nếu hệ thống ngân hàng có vấn đề thì nền kinh tế cũng sẽ có vấn đề và chúng ta cần có góc nhìn rõ ràng hơn. Trong khi các ngân hàng thương mại Nhà nước làm việc rất khách quan và bài bản, thì các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ có một nhóm tốt, còn một nhóm cần phải xem lại.
Cụ thể, các ngân hàng này cho vay các công ty sân sau mang đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế, mà sở hữu chéo giống như một ma trận làm cho mặt bằng lãi suất của nền kinh tế bị đẩy lên, khiến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển công nghệ không hấp thu được vốn. Chúng ta phải đưa ra giải pháp từ những vấn đề đó để giải cứu nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia đã từng nói, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cứ nhỏ nhỏ vừa vừa để thấy rằng, phân bổ nguồn lực trong môi trường rủi ro và lãi suất cao sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung.
Muốn bơm tiền và kích thích tổng cầu cho nền kinh tế, theo tôi có hai cách: Thứ nhất, là giải ngân đầu tư công, khi người dân nhận được tiền đền bù, đồng thời kích thích câu chuyện mua vật liệu xây dựng, tiền nhân công, máy móc thi công, xăng dầu... sẽ tạo ra một lượng cầu rất lớn, một dây chuyền về chuỗi giá trị trong nền kinh tế.
Thứ hai, là tiền tín dụng của ngân hàng trung ương bơm ra nhờ mục tiêu mua ngoại tệ mà không hút về, thì tiền đó sẽ nằm trong hệ thống ngân hàng. Nếu mua từ doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ dùng chính tiền đó gửi ngân hàng, còn mua của người dân từ kiều hối, thì người dân cũng sẽ dùng tiền đồng gửi lại, giúp tăng tiền trong hệ thống ngân hàng và hệ số cho vay của ngân hàng trên thị trường một được tháo gỡ.
Như vậy chỉ cần tiền có thể ra được nền kinh tế là tổng cầu sẽ tăng và kích thích kinh tế tăng trưởng.