Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa chấp thuận cho CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam được niêm yết chứng khoán trên HOSE.
Trước đó, trong tháng 7/2021, công ty đã tiến hành IPO, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Có tổng số 28 triệu cổ phiếu được đưa ra chào bán với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả, toàn bộ 28 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư đăng ký mua hết, thu về 560 tỷ đồng.
Sau IPO, BaF Việt Nam tăng vốn điều lệ lên thành 780 tỷ đồng - tương ứng 78 triệu cổ phiếu đăng ký lưu ký và niêm yết trên HOSE đợt này. Danh sách cổ đông chốt để đăng ký lưu ký vào ngày 13/9/2021.
Doanh thu lớn - lợi nhuận eo hẹp
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2021, BAF Việt Namđã ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.815 tỷ đồng - tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, BAF lãi ròng hơn 44 tỷ đồng - tăng 363% so với quý III năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, BAF ghi nhận doanh thu đạt 9.066 tỷ đồng - tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm mạnh giúp lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 8 lần cùng kỳ lên mức 245 tỷ đồng.
Theo giải trình, BAF chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và yếu tố không thuận lợi từ thị trường thị trường thịt heo. Tuy nhiên, công ty chuyển dịch từ hoạt động kinh doanh nông sản thuần túy sang ngành chính là chăn nuôi nên tỷ suất lợi nhuận cũng cao hơn. Ngoài ra, nhờ kiểm soát được chi phí đặc biệt là lãi vay đã giúp cải thiện kết quả kinh doanh.
Nhìn lại quá khứ, BAF từng ghi nhận khoản vay ngân hàng lên đến hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã được trả hết vào cuối năm 2020. Sau những hợp đồng giao dịch ghi nhận các khoản phải thu cao đột biến là những hợp đồng vay vốn được thế chấp bằng chính những khoản phải thu này, và ngân hàng đối tác là một cái tên “gần gũi" với hệ sinh thái có liên quan đến BAF.
Theo tìm hiểu, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn từ năm 2017. Thương hiệu F (Feed – Farm – Food) cũng là chiến lược của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi trang trại tới giết mổ, chế biến. Theo kế hoạch đến năm 2024, tổng đàn nái của công ty sẽ nâng lên ở mức khoảng 45.300 con, đáp ứng nhu cầu con giống để nuôi lợn thịt với quy mô trên 1,1 triệu con.
Hiện tại công ty đang phát triển hệ thống trang trại nuôi heo tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Daklak, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên... Sản phẩm chính của công ty là thịt heo BaF.
Trong 3 năm đầu mới thành lập, doanh thu bình quân trên 13.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 ghi nhận khoản dư nợ vày tài chính ngắn hạn hơn 1.844 tỷ đồng đến cuối năm 2019 đã được trả gần hết xuống còn hơn 10 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản công ty giảm gần 1.100 tỷ đồng xuống còn 5.245 tỷ đồng nhờ giảm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (giảm 1.553 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, BaF đạt 5.251 tỷ đồng doanh thu - giảm 21% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ chi phí thấp, giá bán cao nên lãi sau thuế bất ngờ gấp 10 lần cùng kỳ - đạt hơn 201 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính, các khoản phải thu chủ yếu từ các đơn vị thứ ba như CTCP Tập đoàn Tân Long 645,35 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Dịch vụ Sơn La là 566,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại XNK Tân Thành Nam là 430,36 tỷ đồng; Công ty TNHH DT Kinh doanh Nhật Tân là 362 tỷ đồng….
Như vậy, tài sản của công ty chủ yếu nằm ở các khoản nợ của công ty khách hàng.
Ngược lại, phần nguồn vốn có tới 5.798,5 tỷ đồng phải trả các nhà cung cấp khác, chiếm 83,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, chủ yếu phải trả CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát 954,4 tỷ đồng; CTCP CBOT Việt Nam 545,2 tỷ đồng; Công ty TNHH SXTM DV Sơn Hưng là 493,7 tỷ đồng; CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế 410,4 tỷ đồng; CTCP Nông Nghiệp An Điền là 369 tỷ đồng …
Các khoản phải trả “người nhà” chiếm phần lớn tổng tài sản
Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của BAF đã tăng 2.237 tỷ đồng (tương ứng 42%) so với đầu năm lên mức 7.483 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi nhưng khá bất ngờ các khoản phải thu - phải trả lại chiếm tỷ trọng lớn trong cấu trúc tài sản của BAF.
Phải thu khách hàng ngắn hạn chiếm 59% tổng tài sản với 4.391 tỷ đồng - tăng 872 tỷ đồng so với đầu năm. Một danh sách dài các đối tác chiếm dụng vốn của BAF lại đến từ chính các công ty trong hệ sinh thái có liên quan và một số doanh nghiệp "thân" liên quan đến một tập đoàn kinh doanh đa ngành: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bóng đá,... tại Hà Nội trong đó một số khoản phải thu đáng chú ý có thể kể đến như: Công ty TNHH Thương mại và Phát triển dịch vụ Sơn La (561 tỷ đồng), CTCP Xuất nhập khẩu Rau quả I (246 tỷ đồng),...
Mặt khác, phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng gần 1.100 tỷ đồng so với đầu năm đạt 5.619 tỷ đồng - chiếm đến 75% tổng tài sản. Đáng chú ý, những cái tên xuất hiện cũng tương tự như ở phần phải thu, là các thành viên liên quan đến một hệ sinh thái các doanh nghiệp có liên quan và một tập đoàn tại Hà Nội như: CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát (800 tỷ đồng), CTCP CBOT Việt Nam (762 tỷ đồng), CTCP Nông Sản MOGB Quốc Tế (827 tỷ đồng),...
Những con số này tạo nên một mạng lưới giao dịch chằng chịt giữa các công ty thành viên trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở hoạt động kinh doanh thông thường.
Về "của để dành", tính đến 30/9/2021 BaF Việt Nam còn gần 312 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn gần 280 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Vốn chủ sở hữu đạt 1.376 tỷ đồng trong đó vốn góp chủ sở hữu 780 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đến 30/9/2021 hơn 6.106 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 35 tỷ đồng (tăng 25 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm được 8 tỷ đồng còn hơn 56 tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho đến 30/9/2021 còn 1.186 tỷ đồng - tăng gần 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2021.
Nông nghiệp BAF thâu tóm 6 công ty chăn nuôi trong một tháng
Đối trọng của Dabaco (DBC) báo lãi tăng bằng lần, tổng đàn heo hơn nửa triệu con