Lãi suất ngân hàng “đè” lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm

16-02-2022 16:04|Hoàng Yến

Do phần lớn danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ nên mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là một bất lợi của ngành bảo hiểm.

Sự hồi phục của nền kinh tế đã giúp bảo hiểm phi nhân thọ có cơ hội mở rộng doanh thu nhưng bài toán hiệu quả của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dường như vẫn chưa tìm được lời giải trong năm 2022.

Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, giải pháp trọng tâm để duy trì lợi nhuận ổn định trong năm nay vẫn là kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bồi thường và gia tăng hiệu quả từ hoạt động đầu tư.

Thực tế, bên cạnh nguồn thu từ hoạt động chính là kinh doanh bảo hiểm, đầu tư cũng là hạng mục quan trọng được chú trọng, trong đó ngoài dành tối thiểu 70% nguồn vốn cho kênh gửi tiết kiệm hay trái phiếu Chính phủ theo quy định hiện hành để đảm bảo an toàn nguồn vốn, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ còn mở rộng đầu tư sang các kênh khác như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…

Tuy nhiên, do phần lớn danh mục đầu tư là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ, nên mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là một bất lợi, có thể làm giảm lợi nhuận của nhà bảo hiểm.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm nay lên tới 2,74%, tức gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng tín dụng mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Nhu cầu vay tăng nhưng áp lực lên lãi suất huy động không quá lớn.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 1, tăng trưởng tín dụng ước đạt 1%, trong khi huy động chỉ tăng 0,5%. Đây cũng là thực tế vài năm gần đây không chỉ ở thành phố.

Nhóm phân tích CTCK Rồng Việt đánh giá, chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động có thể tạo áp lực lên các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Do vậy, để cân đối bài toán kinh doanh, thực hiện mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm theo chủ trương chung, các ngân hàng buộc phải tiếp tục giảm chi phí.

Kết quả kinh doanh các ngân hàng cũng cho thấy, không phải ngân hàng nào lãi suất cao cũng đều có nguồn huy động dồi dào. Trên thực tế, bên cạnh nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng cổ phần quy mô lớn đều duy trì lãi suất khá thấp.

Ngoài ra, ngành bảo hiểm cũng được dự đoán không thu được nhiều lợi nhuận từ danh mục đầu tư vào bất động sản và chứng khoán. Mặc dù thị trường bất động sản và chứng khoán được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022 nhưng do bị khống chế về tỷ lệ trong danh mục đầu tư (Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định doanh nghiệp phi nhân thọ chỉ được dành tối đa 35% nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào doanh nghiệp khác, tối đa 10% để đầu tư bất động sản) nên 2 kênh này sẽ khó đóng góp tỷ trọng cao trong tổng lợi nhuận doanh nghiệp.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng cao hơn dự báo: Fed có thể chưa cắt giảm lãi suất vào thời gian tới

TPBank và KienlongBank gia nhập 'câu lạc bộ' tăng lãi suất huy động

Đường dây 'tín dụng đen' cho vay gần 4.000 tỷ đồng bị triệt phá, thu lợi hơn 600 tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lai-suat-ngan-hang-de-loi-nhuan-doanh-nghiep-bao-hiem-131847.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lãi suất ngân hàng “đè” lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm
POWERED BY ONECMS & INTECH