Vĩ mô

Lạm phát Việt Nam ngược chiều thế giới: “Sếp” Tổng cục Thống kê giải thích thế nào?

Khúc Văn 29/09/2023 11:02

Nhiều hoài nghi về chỉ số CPI của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê đã phải lên tiếng giải thích.

Nhiều hoài nghi về chỉ số CPI vừa công bố,

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, CPI bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Việt Nam đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Đáng nói, với vấn đề lạm phát thế giới có xu hướng giảm nhưng hiện nay vẫn ở mức cao, trong khi kết quả CPI 9 tháng đầu năm của Việt Nam cho thấy năm 2023 chúng ta có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê cho biết CPI của Việt Nam “ngược chiều” so với thế giới là do chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm gas trong nước giảm 10,21% theo giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm.

Cùng với đó, theo bà Oanh nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá do đó đã giúp cho kiềm chế tốc độ tăng của CPI.

Nguyên nhân tiếp, bà Oanh khẳng định những dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong thời gian qua. Giá điện sinh hoạt đã được EVN điều chỉnh từ ngày 4/5 sau nhiều năm không tăng giá nhưng chỉ điều chỉnh tăng 3% cho nên tác động không nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng.

Áp lực lạm phát nhập khẩu giảm bớt

Về các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến lạm phát các tháng còn lại của năm 2023, bà Oanh cho biết lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu do lượng gạo xuất khẩu của thế giới giảm cùng với các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng. Thiên tai và dịch bệnh diễn ra có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng.

Ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Vì những lý do trên, theo bà Oanh Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp.

Đầu tiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Tiếp theo, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Cùng với đó, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Hiện nay còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Ngoài ra, bà Oanh cho biết Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Cuối cùng, bà Oanh khẳng định tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát cũng là vấn đề quan trọng cần đặc biệt chú ý.

Giá xăng dầu hôm nay 20/11: quay đầu đi xuống

Giá xăng dầu hôm nay 19/11: quay đầu tăng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-hoai-nghi-ve-chi-so-cpi-vua-cong-bo-sep-tong-cuc-thong-ke-len-tieng-203099.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lạm phát Việt Nam ngược chiều thế giới: “Sếp” Tổng cục Thống kê giải thích thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH