Loại cây bonsai nằm trong bộ Tứ Linh ở Việt Nam giá hơn chục tỷ đồng, ngang bằng 8 mảnh đất
Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhiều đại gia mong muốn sở hữu nhưng không phải ai cũng có được.
Loại cây nằm trong Tứ Linh, thế cây bắt mắt
Cây sanh là một trong những loại cây được ưa chuộng, có giá trị nghệ thuạt cao. Chúng có tên khoa học là Ficus benjamina L, được trồng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, người ta trồng nhiều cây sanh bonsai, kiếm thu nhập khủng nhờ kinh doanh lại cây này.
Cây sanh bonsai có giá trị cao chủ yếu nhờ kiểu dáng đẹp. Điều quan trọng nhất là người chủ phải có tư duy tạo thế cho cây. Những người chuyên kinh doanh cây sanh bonsai còn dành nhiều thời gian để chăm sóc, tỉa lá, tạo hình đẹp cho cây để vừa mắt các đại gia. Những cây sanh bonsai đẹp thường có tán lá thoáng, tán lá tròn đầy hoặc tán lá phá cách. Mỗi kiểu tán lá sẽ mang đến cho cây sanh bonsai diện mạo riêng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của các đại gia.
Không chỉ bỏ tiền để mua cây sanh vì vẻ đẹp nghệ thuật, nhiều đại gia còn quan tâm tới quan niệm phong thuỷ. Theo nhiều người, cây sanh có cành lá sum sê nên sẽ mang may mắn, tài lộc, thành công tới cho gia chủ. Loại cây đặc biệt này có thêm ý nghĩa đại diện cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở, giúp gia đình hoà thuận, êm ấm, hạnh phúc dài lâu. Có lẽ bởi vậy mà loại cây bonsai này được nhiều người săn đón, tìm mua.
Cây sanh nằm trong bộ Tứ Linh, bên cạnh đa, si, sung. Có lẽ nhờ vậy nên cây sanh thường được dùng làm cây bonsai hay cây phong thuỷ.
Có giá hơn chục tỷ đồng
Nhờ vẻ đẹp nghệ thuật, cây sanh bonsai là thứ nhiều người đam mê cây cảnh tìm tới. Những cây sanh bonsai có dáng đẹp thường được trả giá rất cao. Tại Việt Nam, cây sanh bonsai của ông Nguyễn Phước Lộc (tại Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) có đường kính tán khủng nhất. Cây sanh này từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục vào năm 2021.
Cây sanh mà ông Nguyễn Phước Lộc sở hữu có đường kính tán 6,2m, cao hơn 5m. Ông mua cây sanh này từ năm 2004 và chăm sóc từng ngày, tìm hiểu về cách chỉnh dáng cây để đạt tới giá trị cao nhất. Cây bonsai có tuổi thọ 120 năm của người đàn ông này có giá lên đến 12 tỷ đồng nhưng ông không bán vì muốn du khách tới tham quan.
Không chỉ ông Phước Lộc, người đàn ông tên Bùi Văn Thái (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng trở thành cái tên gây chú ý mạnh mẽ. Người này sở hữu tác phẩm sanh cổ mang tên Mộc thạch nghênh phong cao 3m, chu vi bộ rễ ôm đá là 5,5m. Vào cuối năm 2010, cây sanh của ông Thái cũng Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là cây sanh ôm đá nghệ thuật cổ và lớn nhất châu Á. Được biết, tác phẩm cây sanh bonsai đặc biệt mà ông Thái sở hữu có thể đổi lấy 8 mảnh đất thời điểm đó. Điều này cho thấy giá trị của tác phẩm này không hề nhỏ.
Cây sanh bonsai không chỉ được trang trí trong nhà mà còn thường trang trí ở các công trình tâm linh. Tuỳ vào độ đẹp của thế, tán, đường kính gốc, chiều cao, cây sanh bonsai sẽ có giá khác nhau. Trong đó, những cây nhỏ có giá vài triệu đồng, cây cổ thụ có giá chục tỷ đồng.