Nhiều loại thực phẩm chức năng giả, nhái, kém chất lượng vẫn được “nổ” có thể trị bách bệnh từ xương khớp, tiêu hoá, tim mạch... Thậm chí cả bệnh ung thư khiến người tiêu dùng “chóng mặt”…
Theo đó, thị trường thực phẩm chức năng những năm gần đây như một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh, kéo theo đó là đủ loại chiêu trò để thu hút người mua. Trong đó, việc quảng cáo “tung trời”, thổi phồng công dụng đang khiến nhiều người nhầm lẫn với thuốc điều trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại nhất là tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng giả hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng này đã trở thành một vấn nạn nếu không muốn nói là đang ở mức báo động đỏ.
Từ hàng giả "hoành hành"…
Cách đây 2 tuần, hàng chục nghìn lọ thực phẩm chức năng nghi là hàng giả được "ra lò" tại một căn nhà cấp 4 ẩm thấp nằm sâu trong thôn Cao Sơn (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội), đã bị lực lượng chức năng phát hiện.
Kiểm tra thực tế tại nơi nay, lực lượng chức năng ghi nhận, tại cơ sở có gần 12.000 lọ, hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Phía bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước.
Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, tại cơ sở này còn có 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác, 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác, 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả, 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại, cùng 1 máy khò nhiệt và 1 máy ép nhiệt.
Thực tế, đây chỉ là một trong hàng nghìn vụ việc bị phát hiện mới đây. Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tình hình kinh doanh, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến thực phẩm chức năng vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 3.527 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 17 vụ với 35 đối tượng.
Cũng theo cơ quan này, tình trạng nhức nhối nhất hiện nay là vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra phổ biến trên môi trường mạng, các kênh youtube; facebook; zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài…
…đến kinh doanh đa cấp trái phép
Gần đây, tại nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số huyện giáp ranh thuộc ngoại thành Hà Nội như huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn xuất hiện nhiều nhóm được cho là “tư vấn sức khỏe” và chia sẻ về sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse có khả năng điều trị được nhiều loại bệnh từ viêm phế quản, suy thận sơ gan đến cả bệnh nan y như ung thư cũng có thể trị.
Kèm theo đó các trang mạng xã hội Zalo, Youtube cũng lan truyền những video clip hướng dẫn việc tham gia mạng lưới của Jeunesse cùng kinh doanh, để nhận được những nguồn thu nhập thụ động hàng nghìn USD mỗi tháng.
Đáng chú ý, nhiều người dân tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, nhóm người được cho là “tư vấn sức khỏe” hầu hết tự nhận từng là bệnh nhân. Họ nói sau khi dùng sản phẩm này, họ đã khỏi bệnh nên muốn chia sẻ sản phẩm này với mọi người. Hơn nữa, sau khi tham gia hệ thống nếu giới thiệu được thêm người mua sản phẩm sẽ được trích hoa hồng rất cao.
“Nghe vậy nên người dân chúng tôi rất phấn khởi, đã giới thiệu được sản phẩm tốt cho người thân mình dùng lại được hưởng lương cao thì còn gì bằng”, người này hào hứng nói.
Đáng chú ý, liên quan đến các sản phẩm “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse, từ năm 2019, Bộ Công thương đã đưa ra cảnh báo đến người dân về việc sản phẩm không rõ nguồn gốc, và đơn vị này có dấu hoạt hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép.
Theo đó, cơ quan này cho biết, các sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” không rõ nguồn gốc của Tập đoàn Jeunesse Global tại Việt Nam được bán tràn lan nhưng chưa nhận được chứng nhận bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương.
Đến đầu tháng 2/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng , Bộ Công Thương tiếp tục có cảnh báo hình thức bán hàng các sản phẩm của Jeunesse hay Jeunesse Global có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận.
Đây là lần thứ 2, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo về hoạt động kinh doanh của Jeunesse hay Jeunesse Global do đã tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại (Zoom Meeting) có tên dự án nền tảng thương mại điện tử - mạng xã hội hay nhà cung cấp nền tảng kinh doanh “chìa khóa trao tay” để giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global. Các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Theo tìm hiểu, hệ thống kinh doanh của Jeunesse Global bao gồm tổng cộng 10 cấp điều hành khác nhau trong đó 6 cấp điều hành và 4 cấp giám đốc. Đồng thời có 6 loại hoa hồng khác nhau như hoa hồng bán lẻ 35%, hoa hồng giới thiệu trực tiếp từ 25 - 250 USD; hoa hồng đội nhóm 35 USD đến 3.500 USD/chu kỳ; hoa hồng lãnh đạo từ 5 - 20%; thưởng khách hàng ưu đãi khi nhà phân phối tìm được khách hàng từ trang web cá nhân sẽ được thưởng thêm 5 - 10% hoa hồng lãnh đạo từ F1; và cuối cùng là thưởng doanh số toàn cầu 3% vào mỗi quý.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cảnh báo người dân không nên tham gia để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý. Đồng thời không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Jeunesse hay Jeunesse Global có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp liên quan khác.
Đáng chú ý, hiện nay theo danh sách 20 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp tại Việt Nam được Bộ Công Thương chính thức công bố cũng không thấy xuất hiện đơn vị nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.
Trại nuôi gà thành nơi sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả
“Xảo trá” thị trường thực phẩm chức năng - Bài cuối: Dẹp “loạn” cách nào?