Loạt doanh nghiệp báo lãi giảm sâu hậu kiểm toán bán niên

31-08-2022 20:47|Quốc Huy

Sau khi BCTC bán niên 2022 được soát xét, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nhanh chóng "bốc hơi" 50 - 90% so với BCTC tự lập, thậm chí đảo chiều từ dương sang âm khiến cổ phiếu bị cắt margin.

Những doanh nghiệp điều chỉnh lãi giảm sốc sau kiểm toán

Hậu kiểm toán, lãi bán niên 2022 của Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã chứng khoán: KBC) của Chủ tịch Đặng Thành Tâm bất ngờ "bốc hơi" 92% từ mức từ mức 2.457 tỷ đồng về còn 200 tỷ đồng.

Tại BCTC tự lập trước đó, KBC gây bất ngờ khi ghi nhận con số lợi nhuận lên tới hơn 2.450 tỷ đồng dù doanh thu chỉ gần 1.100 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến lãi ròng của KBC giảm sốc là bởi trên BCTC tự lập, KBC ghi nhận thu nhập từ chênh lệch giữa phần sở hữu trong tài sản thuần của bên bị mua và giá phí hợp nhất kinh doanh từ giao dịch tăng tỷ lệ sở hữu lên 48% với CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. KBC cho biết, theo báo cáo tư vấn thẩm định giá độc lập, giá trị hợp lý tài sản thuần của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng ước tính là khoảng 4.805 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đơn vị kiểm toán, việc hoàn tất kế toán tạm thời hay đánh giá lại tài sản của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng sẽ được ghi nhận sau khi đơn vị kiểm toán hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào BTCT hợp nhất năm 2022.

Do đó, trên BCTC bán niên, KBC sẽ chưa ghi nhận thu nhập từ giao dịch định giá tài sản này. Công ty cho rằng việc hoàn tất kế toán tạm thời hay đánh giá lại tài sản của Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng sẽ được ghi nhận sau khi đơn vị kiểm toán hoàn thành việc soát xét định giá và ghi nhận vào BTCT hợp nhất năm 2022.

bauthuyy01241331884_xvyp.jpg
Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Thaiholdings

CTCP Thaiholdings (Mã chứng khoán: THD) lãi giảm gần 50% sau soát xét, Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của THD giảm hơn 180 tỷ đồng so với báo cáo tự lập về mức 217,1 tỷ đồng.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều này là do doanh thu hoạt động tài chính sau kiểm toán giảm 93,9 tỷ đông xuống còn 233 tỷ đồng. Lý giải điều này, lãnh đạo Thaiholdings cho biết doanh nghiệp có CTCP Tôn Đản Hà Nội được sở hữu chéo bởi CTCP Tập đoàn Thaigroup và CTCP Thaiholdings.

Mối quan hệ trên dẫn đến quan điểm giữa kế toán THD và đơn vị kiểm toán có sự khác nhau về việc “điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tương ứng cho những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của công ty liên kết từ ngày đầu tư (ngày kiểm soát công ty con) đến ngày báo cáo” khi Tập đoàn Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Tôn Đản.

Kiểm toán vào cuộc, mức lãi khiêm tốn nửa đầu năm 2022 của Tập đoàn Kỹ nghê Gỗ Trường Thành (Mã chứng khoán: TTF) "bay" 89% . Cụ thể,  lợi nhuận 6 tháng dầu năm của TTF trong BCTC riêng đã giảm về mức 1,48 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 42% từ 8 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng.

Theo giải trình của TTF, sự chênh lệch này là do công ty ghi nhận bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi do đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản nợ phải thu từ các công ty con.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại tăng 28% nhờ ghi nhận bổ sung phần lãi trong liên doanh liên kết. Vào thời điểm lập báo cáo tài chính tự lập, số liệu trên báo cáo của liên doanh liên kết mà công ty vừa thực hiện góp vốn đầu tư trong kỳ chưa ghi nhận đủ về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại ngày 30/6/2022, TTF vẫn đang trong tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn (2.334 tỷ) đã vượt tài sản ngắn hạn (1.977 tỷ đồng).

Xuất hiện nhiều doanh nghiệp "chị Dậu"

CTCP Louis Capital (Mã chứng khoán: TGG) vừa công bố BCTC soát xét bán niên 2022. Theo đó, doanh thu thuần giảm nhẹ 1,8% xuống còn 507 tỷ đồng, tuy nhiên khoản lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty chuyển từ dương 9,6 tỷ đồng sang âm 18,2 tỷ đồng.

Theo giải trình, nguyên nhân của sự chênh lệch này là do công ty đã bổ sung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tổn thất vào công ty con, phân bổ hết lợi thế thương mại của một công ty con do có dự định chuyển nhượng cổ phần một công ty con trong năm 2022, trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của công ty con.

Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp của TGG đã gấp 3,2 lần lên 54,4 tỷ đồng sau do phải trích lập thêm 28,8 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi.

Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán viên nhấn mạnh và lưu ý về số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ của TGG tại ngày 1/1/2022 có một phần lợi nhuận đến từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong năm 2021, liên quan đến cổ phiếu BII của CTCP Louis Land  và một số cổ phiếu khác.

image-13-.png
SHS "thua đau" vì chứng khoán

Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã chứng khoán SHS) cũng là một ví dụ về việc đảo chiều sau soát xét, từ lãi hơn 27 tỷ đồng theo số liệu công ty tự lập trên BCTC quý 2/2022 trước đó xuống thành lỗ hơn 68 tỷ đồng, tương ứng điều chỉnh giảm lãi hơn 95 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc đảo chiều này bắt đầu tư việc hoạt động tự doanh của công ty thua lỗ nặng. BCTC soát xét bán niên ghi nhận khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ là hơn 360 tỷ đồng (tăng 320 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Trong khi đó số liệu trên BCTC quý II/2022 công ty tự lập ghi nhận lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ chỉ hơn 29 tỷ đồng – tương ứng điều chỉnh tăng lỗ thêm hơn 330 tỷ đồng.BCTC soát xét bán niên cũng liệt kê danh sách chứng khoán mà công ty đang đầu tư, trong đó gồm có TCB, PET, GEX, PMC và các cổ phiếu khác.

Danh mục cổ phiếu giao dịch trên Upcom mà Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đầu tư gồm SIP, ACG, KTL và các cổ phiếu khác... Riêng giá trị đầu tư vào cổ phiếu niêm yết đã 1.254 tỷ đồng theo giá mua, và giá thị trường khoản này còn 1.138 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ hơn 116 tỷ đồng. Tỷ trọng đầu tư của Chứng khoán SHS tập trung chủ yếu vào TCB và GEX – đây cũng là 2 cổ phiếu “tạm lỗ” nhiều nhất mà công ty đang ôm, với số lỗ lần lượt 69 và 87 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh giảm về lợi nhuận dẫn đến lỗ sau soát xét do trước đó Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội “để” một phần giá trị khoản đầu tư vào 2 cổ phiếu TCB và GEX ở danh mục tài sản sẵn sàng để bán AFS và phần còn lại vào dòng tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL.

Với việc chuyển từ lãi sang lỗ sau khi công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã loại cổ phiếu SHS của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin) và cắt margin từ ngày 23/8.

Mới đây, một doanh nghiệp thép cũng bất ngờ báo lỗ sau kiểm toán do phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt thép liên tục giảm. Cụ thể, CTCP Thép Pomina (Mã chứng khoán: POM) vừa công bố BCTC soát xét do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam thực hiện.

Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Thép Pomina đạt 8.105 tỷ đồng, giảm 48 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó. Lợi nhuận gộp thu về là 348 tỷ, biên lãi gộp đạt 4,2%. Trừ đi các chi phí, Thép Pomina lỗ 23 tỷ đồng, trong khi theo báo cáo tự lập là lãi sau thuế 8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau kiểm toán công ty con trong nhóm phải lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt thép liên tục giảm. Vấn đề này cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp thép trong ngành nói chung, khi nhiều công ty báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ do tình hình giá thép trên thị trường đi xuống nhanh, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào không giảm tương ứng khiến giá vốn cao. 

Đồng thời, kiểm toán còn nhấn mạnh vấn đề nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn là 1.008 tỷ đồng. Trong 10.727 tỷ đồng nợ ngắn hạn, hầu hết là công ty đi vay nợ với số tiền hơn 7.728 tỷ đồng. Cộng với phát sinh khoản lỗ thuần là 23 tỷ tại ngày 30/6 nên kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.

35.500 cổ đông chú ý, cổ phiếu ART và KLF bị cắt margin trên HNX từ 31/8

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 4/12: KBC, VIB, CTD

Tồn kho bất động sản tăng kỷ lục, Novaland (NVL) dẫn đầu với hơn 145.000 tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loat-doanh-nghiep-bao-lai-giam-sau-hau-kiem-toan-ban-nien-146711.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Loạt doanh nghiệp báo lãi giảm sâu hậu kiểm toán bán niên
    POWERED BY ONECMS & INTECH