LPBank năm 2024: ‘Thay tên - Đổi vận’
Năm 2024 đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của LPBank với lợi nhuận trước thuế tăng 73%, đạt 12.168 tỷ đồng và cổ phiếu LPB tăng 131,75%. Ngân hàng này cũng ghi dấu ấn trong thay đổi thương hiệu, chuyển đổi số và mở rộng dịch vụ, nâng cao vị thế. Sang năm 2025, LPBank tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển, bao gồm phát hành trái phiếu trị giá 4.000 tỷ đồng và tổ chức ĐHĐCĐ để triển khai các kế hoạch mới.
Ngành ngân hàng khép lại năm 2024 với nhiều biến động. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày cuối năm, tín dụng đã tăng 15,08%, đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, ngành ngân hàng đã đạt mục tiêu đặt ra là tăng trưởng tín dụng 15%, với hơn 2,1 triệu tỷ đồng được bơm thêm vào nền kinh tế.
Đây là một nỗ lực lớn, khi tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 chỉ đạt 0,98%, và đến ngày 7/12/2024 mới đạt 12,5%. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Mặc dù Fed duy trì nền lãi suất cao, gây áp lực lên tỷ giá, ngành ngân hàng vẫn ưu tiên cho việc hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế. Tháng 12/2024, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% so với đầu năm (sau khi đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023). Mỗi ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp. Lãi suất cho vay bắt buộc phải giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên như nông - lâm - thủy sản, công nghệ cao... đặc biệt là các gói tín dụng ưu đãi như cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu trở thành bài toán hóc búa cần giải. Tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022 dù đã có sự hỗ trợ của Thông tư 02. 28 ngân hàng công bố tín dụng đạt 11,3 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm thì tổng nợ xấu đạt 253.908 tỷ đồng, tăng hơn 29%.
Nhóm ngân hàng để lại dấu ấn đặc biệt trong việc triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023. Tính đến tháng 12/2024, khoảng 38 triệu lượt khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, giúp giảm số lượng vụ lừa đảo giảm đến 50% so với trước đây, bảo vệ an toàn cho người dân và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành ngân hàng có mức tăng trưởng 20,6%, vượt trội hơn VN-Index đạt 12,11%. Tại thời điểm ngày 31/12/2024, vốn hóa toàn ngành đạt 2.128.542 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường với 29,85%.
Trong 27 ngân hàng niêm yết, LPBank (HoSE: LPB) đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2024. Với việc đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát, LPBank không chỉ làm mới mình mà còn củng cố vị thế vững mạnh trong ngành tài chính. Sự tập trung vào chuyển đổi số, cải thiện dịch vụ và mở rộng mạng lưới đã giúp ngân hàng này vươn lên mạnh mẽ. Cổ phiếu LPB ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, phản ánh lòng tin từ nhà đầu tư và khẳng định tiềm năng phát triển bền vững.
Cổ phiếu LPB tăng 131,75% trong năm 2024, đánh dấu năm có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2017. Trước đó, LPB đã tăng 54,77% trong năm 2023. Nhà đầu tư vào LPB sẽ đạt hiệu suất tăng trưởng vượt trội so với ngành ngân hàng (+20,6%).
Khối lượng giao dịch có phần sụt giảm, trung bình 4,1 triệu cổ phiếu giao dịch mỗi phiên trong năm 2024, so với năm 2023 là 7,2 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu tăng cao, giá trị giao dịch mỗi phiên không giảm sút.
Đà bán ròng của khối ngoại là điểm nhấn trong năm 2024, với giá trị lên tới 94.445 tỷ đồng trên HoSE, vượt mức bán ròng năm 2021 là 6.685 tỷ đồng. LPB không nằm ngoài xu hướng trên, nhóm nhà đầu tư này đã bán ra 51,8 triệu cổ phiếu trong kỳ, tương ứng giá trị 961 tỷ đồng.
Đồng hành cùng đà tăng phi mã của giá cổ phiếu là kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Kết thúc năm 2024, LPBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2023, chính thức bước chân vào nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận của LPBank tăng trưởng tốt còn nhờ việc đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, nổi bật là doanh thu từ thu phí dịch vụ, đóng góp hơn 16% tổng thu nhập. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 29%. Kết quả này minh chứng cho sự thành công của quá trình tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa quy trình, ứng dụng công nghệ vào hoạt động và vận hành xuất sắc.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản của LPBank đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2023. Con số này không chỉ đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc mà còn khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của LPBank trong hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Dư nợ tín dụng đạt 331.606 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. LPBank đã chủ động giải ngân ngay từ những tháng đầu năm thay vì chờ đợi, nhanh chóng triển khai các giải pháp tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên.
Huy động vốn thị trường 1 của LPBank đạt 338.662 tỷ đồng, tăng 53.319 tỷ đồng so với năm trước, tương đương mức tăng trưởng 18,69%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2024 đạt 1,51%. Dù tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (1,34%), tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức quy định của NHNN (<3%) và nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Bên cạnh đó, các tỷ lệ đảm bảo an toàn của LPBank, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 13,38% vào cuối năm 2024, cao hơn năm 2023 (12,24%) và vượt xa mức quy định là 8%.
Sự thành công hiện tại của LPBank gắn liền với quá trình chuyển mình toàn diện trong năm 2024. Ngân hàng đã nỗ lực thay đổi và cải cách từ gốc rễ, ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với tên gọi Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam. Đồng thời, LPBank triển khai quyết liệt các dự án chiến lược như ngân hàng số, quản trị rủi ro, ra mắt sản phẩm số dành cho khách hàng doanh nghiệp, các sản phẩm tài chính cá nhân tập trung vào phân khúc bán lẻ, và tinh gọn bộ máy tổ chức.
Về cơ cấu cổ đông, ngân hàng ghi nhận nhiều chuyển biến đáng chú ý. Nhóm VNPost – cổ đông lớn nhất đang có ý định thoái vốn, trong khi ông Nguyễn Đức Thụy (Chủ tịch HĐQT hiện tại) với tiềm lực mạnh mẽ từ ThaiGroup tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng. Theo công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ LPBank hồi tháng 7/2024, VNPost nắm gần 167,2 triệu cổ phiếu (6,54% cổ phần), ông Thụy sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu (2,765% cổ phần).
Dù VNPost dự kiến thoái vốn, hai bên vẫn duy trì quan hệ đối tác chiến lược, triển khai các dịch vụ tài chính hiện đại thông qua mạng lưới Bưu điện – một kênh quan trọng giúp LPBank tiếp cận phân khúc bán lẻ tại mọi khu vực, từ thành thị, nông thôn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Về định hướng chiến lược, ông Nguyễn Đức Thụy nhấn mạnh: “Chiến lược giai đoạn 2024 - 2028 là đưa LPBank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, giữ vị trí số 1 tại nông thôn và đô thị loại 2, đồng thời nằm trong Top 5 dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại các đô thị lớn”.
Thời gian qua, LPBank đã bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao và tinh gọn bộ máy từ 17 khối nghiệp vụ xuống còn 8, chính thức vận hành theo mô hình mới từ ngày 16/12/2024. Theo ông Thụy: “Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và vận hành xuất sắc đã giúp LPBank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản ấn tượng trong bối cảnh chuyển đổi toàn diện, với khách hàng là trọng tâm”.
Năm 2024, LPBank dẫn đầu trong Top 10 ngân hàng có ROE cao nhất sau 9 tháng năm 2024 và xếp hạng Top 4 trong Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.
Bước sang năm 2025, LPBank công bố kế hoạch phát hành 40 triệu trái phiếu với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không đảm bảo và không kèm chứng quyền, nhằm mục đích tăng vốn cấp 2 cho ngân hàng.
Đến tháng 3/2025, LPBank dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên tại Ninh Bình để thảo luận các chiến lược quan trọng, bao gồm bầu bổ sung thành viên HĐQT và triển khai các kế hoạch phát triển mới.
Về nhân sự, từ ngày 11/1, LPBank quyết định thôi phân công nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Hoàng Văn Phúc. Ông hiện giữ chức Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Công đoàn LPBank, đồng thời sẽ đảm nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của Ban lãnh đạo. Sau sự thay đổi này, Ban điều hành của LPBank gồm 11 thành viên, với Quyền Tổng Giám đốc Vũ Quốc Khánh, 5 Phó Tổng Giám đốc và 5 thành viên khác.
Năm 2025, nhóm ngân hàng được kỳ vọng có nhiều khởi sắc. Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%. Theo VinaCapital, Chính phủ có thể đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường bất động sản, giúp tăng trưởng cho vay mua nhà từ 10% lên gần 20%, đồng thời thúc đẩy các mảng cho vay tiêu dùng như mua ô tô và mua sắm trả góp.
VinaCapital dự báo lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng 17% trong năm 2025, với điều kiện tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 15% và NIM tăng nhẹ 0,06 điểm %, lên mức 3,55%. Chứng khoán MBS có dự báo tương đồng, kỳ vọng lợi nhuận ròng của nhóm ngân hàng tăng khoảng 15 - 16%, với động lực chính đến từ thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là phí dịch vụ.
Trong khi đó, BSC lạc quan hơn, kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng tăng đến 20%, nhờ ba yếu tố chính: (1) NIM cải thiện nhẹ; (2) Chất lượng tài sản kiểm soát tốt nhờ các quy định tái cơ cấu nợ; (3) Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, đặc biệt ở phân khúc bán lẻ khi thị trường bất động sản phục hồi.
>> Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin