Khi kênh Odisha TV giới thiệu Lisa, người dẫn chương trình mới, “cô” nhận được đánh giá trái chiều, từ “đột phá” đến “không cảm xúc”.
Giám đốc kênh Jagi Mangat Panda gọi màn ra mắt của Lisa là “cột mốc trong phát thanh truyền hình và báo chí kỹ thuật số”. Dù ý kiến tích cực hay tiêu cực, dường như ai cũng phải bàn luận về MC trí tuệ nhân tạo của Odisha TV.
Khoác trên mình bộ sari màu vàng nâu, Lisa có nhiệm vụ dẫn bản tin trên các nền tảng số, đọc tử vi và cung cấp thông tin thời tiết, thể thao. Panda giải thích, MC ảo phụ trách những công việc lặp lại, giải phóng nhân viên để họ tập trung sáng tạo, mang đến tin tức chất lượng tốt hơn.
Dù vậy, sự xuất hiện của Lisa và các MC AI gần đây đã khơi nguồn tranh luận về tương lai của truyền thông tại Ấn Độ. Hiện tượng này có thể thấy ở các nước châu Á khác, từ Trung Quốc đến Đông Nam Á.
AI là một công cụ mạnh mẽ để tiếp cận khán giả tại một quốc gia như Ấn Độ, nơi có hàng trăm ngôn ngữ cùng tồn tại. Lisa không phải người dẫn chương trình AI đầu tiên của nước này, mà đó là Sana của tập đoàn India Today. Không chỉ dẫn bản tin bằng tiếng Anh, Hindi và Bangla, Sana còn biết 75 tiếng khác.
Phó Chủ tịch India Today - Kalli Purie miêu tả Sana bằng cách từ như “tươi sáng, rực rỡ, không tuổi, không mệt mỏi”. Tại bang Karnataka, kênh Power TV cũng sử dụng MC ảo Soundarya.
Làn sóng MC AI mới được thúc đẩy nhờ vào các thuật toán máy học, phân tích dữ liệu từ tin tức đến video. Theo website chính phủ INDIA, một MC ảo “thu thập, theo dõi và phân loại những gì được nói, ai là người nói, rồi chuyển hóa dữ liệu thành dạng thông tin có thể dùng được”.
Các nhà sản xuất cho biết MC ảo tiết kiệm chi phí, giúp các kênh phát tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và xử lý lượng lớn dữ liệu với tốc độ phi thường. Ngoài ra, chúng còn không mắc “bệnh ngôi sao” như con người.
Ngược lại, giới phê bình lại chỉ trích công nghệ có nguy cơ làm suy yếu tính đáng tin cậy của truyền thông. Robot cũng thiếu kỹ năng quan sát và kinh nghiệm của nhà báo. Một giáo viên tại Delhi cho biết đã chuyển kênh ngay lập tức khi gặp MC ảo vì giọng nói đơn điệu, cử chỉ không sinh động.
Tương tự các công nghệ AI khác, ứng dụng MC ảo gây lo ngại nhân viên mất việc làm bất chấp các nhà sản xuất trấn an chúng sẽ không bao giờ thay thế được con người.
Người phát ngôn Power TV khẳng định kênh chỉ muốn tận dụng sức mạnh của công nghệ để thử những thứ mới mẻ, hấp dẫn. Ngoài ra, các MC ảo đa ngôn ngữ sẽ giúp nhiều người tiếp cận tin tức hơn.
Dù cuộc tranh luận đi đến đâu, chắc chắn AI trong phòng tin tức sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Một khảo sát công bố hồi tháng 5/2023 của Hiệp hội nhà xuất bản tin tức thế giới chỉ ra 49% các phòng tin tức toàn cầu đang sử dụng các công cụ AI như ChatGPT.
Mateen Ahmad, trợ lý giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu truyền thông đại chúng A.J.K (Ấn Độ), chia sẻ, bất kỳ công nghệ mới nào đều gây ra hoang mang ban đầu. Chẳng hạn, các nhà sản xuất phim lo sợ hoạt hình sẽ thay thế các bộ phim có diễn viên nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Lo ngại tương tự cũng kìm hãm ngành xuất bản khi Internt “cất cánh”. Nhiều người lo ngại Internet sẽ là hồi chuông báo tử đối với sách, báo nhưng sự thật chứng minh, với mọi công việc liên quan đến sáng tạo, con người không thể bị thế chỗ. Cho tới khi AI thông minh hơn con người, loài người vẫn là chìa khóa của đổi mới.
Ahmad dự đoán, AI sẽ tạo ra nhiều công việc hơn trong ngành truyền thông khi nâng cấp nội dung.
(Theo Nikkei)
Tại sao Mỹ cố gắng ngăn cản Trung Quốc tiếp cận chip HBM?
Nvidia mua lại VinBrain, Vingroup còn 4 trụ cột công nghệ và AI chiến lược