Các chuyên gia cho rằng ChatGPT sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi của Microsoft và Google.
CEO Satya Nadella cho biết Microsoft có kế hoạch cung cấp công nghệ generative AI của Open AI cho hàng tỷ người dùng bằng cách tích hợp vào tất cả các sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa công nghệ tự động tạo văn bản của ChatGPT sẽ được sử dụng trong bộ sản phẩm Office 365, bao gồm Microsoft Word, PowerPoint và Outlook.
Theo đó, mô hình của OpenAI sẽ giúp Microsoft Word nâng cao các tác vụ như tự động sửa văn phong và ngữ pháp đồng thời tự động tạo các đoạn văn bản chỉ bằng một vài từ ban đầu. Mặc dù công ty chưa công bố bất kỳ tính năng cụ thể nào, nhưng theo Forbes, người dùng thậm chí có thể nhập lời nhắc và tạo các bản trình bày PowerPoint hoàn chỉnh bằng công nghệ của Open AI. Và rất có thể, những tính năng mới này sẽ giúp Microsoft thu hút một lượng lớn người dùng trẻ tuổi trong thời gian tới.
Trước đây, mặc dù Microsoft Office 365 đã trở thành công cụ tiêu chuẩn với hàng triệu doanh nghiệp, nhưng các nhà phân tích cho rằng Microsoft đã tụt lại phía sau so với các sản phẩm ưu tiên cộng tác như Google Docs và Sheets.
“Microsoft đã mất đi sức hút đáng kể so với Google, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Microsoft cần phải thay đổi”, Dan Ives, nhà phân tích công nghệ tại Wedbush Securities nói với Forbes.
Tuy nhiên nếu như thương vụ với OpenAI thành công, một loạt đối tác cũng như đối thủ của Microsoft như Google và Apple sẽ đứng trước rủi ro lớn, dù Google mới là công ty đặt nền móng cho trí tuệ nhân tạo.
Chiến lược dài hơi của Satya Nadella
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2019, khi Satya Nadella đích thân phê duyệt khoản đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI, lúc bấy giờ chỉ là một phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và vẫn chưa có kế hoạch tạo ra ChatGPT hay công cụ vẽ bằng AI.
Chỉ hơn 3 năm sau, sản phẩm của OpenAI đã khiến cả thế giới sửng sốt, hàng loạt trường Đại học hàng đầu phương Tây phải bắt tay vào nghiên cứu về AI và cách kiểm soát ứng dụng AI trong học thuật, đặc biệt là nạn "rửa bản quyền".
Theo nhiều chuyên gia, thị trường trí tuệ nhân tạo đang phát triển tương tự quỹ đạo của một "cây gậy khúc côn cầu", với quá trình tăng tốc có thể bắt đầu từ sự phổ biến của ChatGPT.
Nhưng khoảnh khắc thiên tài của Satya Nadella là khi 1 tỷ USD đầu tư vào năm 2019 không chỉ là tiền mặt, mà còn là gói dịch vụ điện toán đám mây.
Đây chính là chìa khóa của thương vụ này, khi khoản phí hoạt động lớn nhất của bất kỳ doanh nghiệp AI nào chính là kho dữ liệu đám mây và công suất xử lý thuật toán. Và Microsoft chính là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới.
Chính vì thế, thương vụ đầu tiên đã biến Microsoft trở thành một đối tác chiến lược của OpenAI và mối quan hệ đó ngày càng khắn khít khi ChatGPT ngày một phát triển và cần nhiều công suất xử lý hơn. Hiện tại Microsoft Azure là nhà cung cấp dịch vụ độc quyền cho mọi sản phẩm của OpenAI.
Và thương vụ "10 tỷ USD" vào tháng 1 có thể được gọi là "thương vụ thế kỷ", vì sau đó, Microsoft sẽ nắm 49% cổ phần của OpenAI, thêm vào đó, OpenAI sẽ phải chi 75% lợi nhuận để trả lại số tiền 10 tỷ USD.
Trong tương lai, Microsoft không chỉ nắm được cổ phần, mà còn có cơ hội "thu hồi" 10 tỷ USD và đồng thời là nhiều tỷ USD khi cung cấp dịch vụ dữ liệu đám mây cho OpenAI.
Tại sao OpenAI lại đồng ý với các điều khoản có phần bất lợi từ Microsoft?
Thứ nhất là khoản tiền kếch sù mà cả nhà sáng lập và những nhân viên OpenAI sẽ nhận được từ việc bán cổ phiếu cho Microsoft. Và thứ hai là ChatGPT đang đốt một khoản tiền khổng lồ, ước tính lên đến 100.000 USD mỗi ngày (và sẽ tăng đến 3 tỷ USD cho cả năm 2023) chỉ để giữ hệ thống hoạt động trơn tru, đó là chưa để đến số tiền lương khổng lồ nhằm giữ chân nhân tài, tránh đánh mất họ vào tay đối thủ.
Có thể nói, Microsoft và OpenAI đã đốt hàng tỷ USD để đặt nền móng cho AI, biến nó thành một nền tảng mà doanh nghiệp khác có thể xây dựng hệ thống AI cho riêng mình.
Tham vọng "soán ngôi" Google
Với số lượng dữ liệu khổng lồ được đưa vào ChatGPT, giới chuyên gia dần nhận ra rằng đây chính là một "vũ khí" chống lại Google của Microsoft.
Google dù vẫn đang đứng đầu thị trường tìm kiếm, nhưng gã khổng lồ này cũng dậm chân tại chỗ một thời gian dài và Microsoft đã nhanh chóng đưa kế hoạch soán ngôi vào giai đoạn tiếp theo: tích hợp trí thông minh nhân tạo vào công cụ tìm kiếm Bing.
Cho đến nay, Bing chỉ là một "bản sao" của Google, từ giao diện cho đến nguyên lý hoạt động và mô hình kiếm tiền… Nhưng Microsoft đã chỉ ra rằng họ có kế hoạch sử dụng chatbot ChatGPT của OpenAI để cải thiện công cụ tìm kiếm web Bing.
Hiện tại, mọi chuyện dường như có lợi hơn cho Microsoft khi 58% doanh thu hiện tại của Google đến từ công cụ tìm kiếm, khiến gã khổng lồ này không thể chấp nhận rủi ro để thay đổi mô hình hiện tại. Trong khi đó, Bing chỉ mang về 5% doanh thu tìm kiếm, số tiền Microsoft sẵn sàng đánh đổi để tiến tới tương lai.
Với ưu thế điện toán đám mây với khả năng truy cập lượng lớn dữ liệu, công nghệ AI của Microsoft như “hổ mọc thêm cánh” vì chúng luôn tự học hỏi và cải thiện liên tục, qua đó gia tăng sức hút cho các sản phẩm khác của hãng.
Nền tảng Microsoft Graph là kho dữ liệu lớn nhất về hoạt động kinh doanh, văn phòng của các công ty trên thế giới với 400 tỷ email, 500 triệu tài khoản LinkedIn, 180 triệu người dùng Office 365 và 800 triệu máy tính đang dùng Window 10. Hiện Microsoft đang phát triển AI để phục vụ cho 420 tỷ tương tác trên Microsoft Office mỗi tháng và nếu thành công thì quyền lực của tập đoàn này sẽ bành trướng rất lớn.