Mới sáp nhập 6 tháng, một xã tại Nam Định gây bất ngờ vì thu nhập 'khủng' của người dân
Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh sau sáp nhập, xã này tại Nam Định đã có bước chuyển mình đáng kể.
Thực hiện Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, vào tháng 9/2024, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đã tiến hành sáp nhập nhiều xã, trong đó có xã Trà Lũ.
Xã mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã: Xuân Phương, Xuân Trung và Xuân Bắc. Sau khi sáp nhập, Trà Lũ có diện tích tự nhiên 8,23km² và quy mô dân số hơn 25.600 người, trở thành một trong những xã đông dân nhất toàn huyện.
Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh sau sáp nhập, Trà Lũ đã có bước chuyển mình đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 0,78%. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 90–100 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Đáng chú ý, phần lớn người dân có thu nhập ổn định từ các ngành nghề phi nông nghiệp như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và sản xuất hàng hóa.
Xã Trà Lũ nằm ở trung tâm huyện Xuân Trường, có hệ thống giao thông thuận lợi với Quốc lộ 37B chạy qua và giáp sông Hồng ở phía Đông. Điều này giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa từ làng nghề ra các địa phương khác và xuất khẩu đi nước ngoài trở nên dễ dàng hơn. Trà Lũ cũng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, tôn giáo, với nhiều nhà thờ cổ kính, đình làng và di tích lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề kết hợp văn hóa tâm linh.
![]() |
Xã Trà Lũ đã có bước chuyển mình đáng kể sau sáp nhập. Ảnh: Chùa Lương (Nam Định) |
Điểm sáng nổi bật của Trà Lũ là sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề truyền thống. Toàn xã hiện có hơn 2.000 hộ dân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực khi tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp chiếm hơn 70%, nông nghiệp giảm còn khoảng 20%, còn lại là dịch vụ thương mại.
Làng nghề thêu ren tại Trà Lũ đã có lịch sử hàng trăm năm, nổi tiếng với kỹ thuật thêu tay tỉ mỉ, tinh xảo. Ngày nay, các cơ sở sản xuất đã kết hợp giữa thêu tay và thêu vi tính, vừa giữ được nét truyền thống vừa nâng cao năng suất. Sản phẩm thêu ren của Trà Lũ đa dạng, từ áo lễ Công giáo, khăn bàn thờ đến các mặt hàng trang trí, được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Pháp, Italia, Ấn Độ...
![]() |
Người dân đầu tư hệ thống máy đục CNC công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Báo Nam Định |
Ngoài ra, nghề điêu khắc gỗ cũng phát triển mạnh tại địa phương, với gần 30 cơ sở sản xuất chuyên làm tượng Công giáo, tượng Phật, hoành phi, câu đối, tòa thờ... Các hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư máy CNC hiện đại, kết hợp thủ công mỹ nghệ để tạo ra sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Mỗi cơ sở có thể tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập ổn định từ 100.000–500.000 đồng/người/ngày.
Trà Lũ hiện có ba sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Giò lụa Trà Lũ, Sâu dâu sấy khô và Kẹo lạc vừng. Các sản phẩm này đều được sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu riêng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chính quyền xã Trà Lũ đang tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện để hỗ trợ làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, kết nối với sàn thương mại điện tử… Đồng thời, chú trọng đào tạo nghề, đặc biệt cho thế hệ trẻ để gìn giữ và phát triển bền vững các ngành nghề truyền thống.
Mục tiêu của xã Trà Lũ trong giai đoạn 2025–2030 là trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên 100 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5% và từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.