"Một cuốn sổ" gắn với hàng triệu người dân nhiều thập niên sắp được "cất két" làm kỷ niệm

31-12-2022 22:19|Phương Anh

Trong gần 60 năm (từ năm 1964 đến hết 2022), sổ hộ khẩu đóng vai trò quan trọng như một kỷ niệm thân thương của nhiều thế hệ gia đình.

Nhìn lại năm 1957, hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng tổ chức đăng ký nhân khẩu thường trú cho các gia đình, cơ quan, trường học… Đối với sổ hộ khẩu gia đình, chủ hộ thường là người cao tuổi; sổ hộ khẩu tập thể chủ hộ là thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Khi các công trình nhà ở, nhà máy được xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố đã làm tăng nhu cầu công nhân. Tại Hà Nội, nhiều nhà máy, công trường tự tuyển quá nhiều lao động gây khó khăn trong cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ.

Nhằm kiểm soát số người về Hà Nội, ngày 9/9/1960, Chính phủ đã ban hành "Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn" cùng với Nghị định số 36/CP.

Tiếp đến, vào năm 1964, hộ khẩu tiếp tục có sự điều chỉnh bằng Nghị định 104, quy định mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Ở thành phố, thị xã, thị trấn thì đồn công an lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách.

Ở xã, thị trấn (nơi không có đồn công an) thì Ủy ban hành chính xã, thị trấn lập sổ hộ khẩu cho từng hợp tác xã hoặc cho từng đội sản xuất trong các hợp tác xã quá lớn; ở nơi chưa có hợp tác xã thì lập sổ hộ khẩu cho từng xóm.

Đến tháng 7/1988, theo Nghị định 4 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu, việc lập sổ hộ khẩu được thực hiện như sau: Ở thành phố, thị xã, thị trấn lập theo từng hộ, ở nông thôn lập theo xóm, ấp, bản.

Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên.

Cuối năm 1989, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên song không còn giá trị như thời kỳ trước đó.

Trước thời kỳ đổi mới, hệ thống hộ khẩu gắn chặt với việc phân phối lương thực, đất đai, nhà cửa, giáo dục, y tế và việc làm.

Đến năm 2007, Luật Cư trú 2006 có hiệu lực, sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của họ. Sổ hộ khẩu được sử dụng rất phổ biến trong các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đăng kí kết hôn, khai sinh, xin đi học… và được coi như một thứ tài sản "vô giá" của mỗi gia đình.

Có hộ khẩu nội thành, trở thành người thành phố là niềm mong mỏi ước ao của bao người một thời, với các quy định có lợi cho người sở hữu về xin việc, các thủ tục hành chính, chế độ phúc lợi…

Không thể phủ nhận những gì mà sổ hộ khẩu mang lại trong thời gian qua, nhưng cũng có bất cập diễn ra trong thực tế như tại các thành phố trực thuộc Trung ương có quy định riêng về điều kiện được nhập khẩu vào là phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 đến 2 năm trở lên, hay đăng ký vào quận ở Hà Nội phải tạm trú từ 3 năm trở lên…

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú sửa đổi diễn ra tháng 8/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kể câu chuyện khi bị mất sổ hộ khẩu, đi làm lại vất vả… khai tới khai lui.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực quy định sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu giấy hết giá trị. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2023.

Đây là bước tiến mới đơn giản hoá cải cách thủ tục hành chính của xã hội hiện đại. Giảm bớt nhân sự cũng như bộ máy bớt cồng kềnh, bớt đi gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, từ 1/1/2023 cuốn sổ này sẽ chính thức bị "khai tử", người dân có thể bỏ đi hoặc lưu giữ làm kỷ niệm.

Từ đầu năm 2023, nhiều thủ tục sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, như: Hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển giáo dục mầm non; quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ lĩnh vực giáo dục, đào tạo; điện lực; nhà ở; đất đai; y tế.

Sau khi sổ hộ khẩu hết giá trị, CCCD gắn chip chính là một trong những phương thức được sử dụng để thực hiện các thủ tục cần thiết. Thay vì phải mang rất nhiều loại giấy tờ như trước đây, người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Công an, có 7 cách sử dụng thông tin của công dân thay cho sổ hộ khẩu: Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân có gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân; tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng ứng dụng VNeID; sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú; sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Mặc dù “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy nhưng vẫn thực hiện duy trì quản lý cư trú đối với người dân. Người dân có thể dùng một trong các loại giấy tờ làm thủ tục hành chính là thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy thông báo số định danh cá nhân.

Bình Định hướng tới điện tử không giấy tờ

Không cần sổ hộ khẩu giấy khi thực hiện các thủ tục bảo hiểm

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-cuon-so-gan-voi-hang-trieu-nguoi-dan-nhieu-thap-nien-sap-duoc-cat-ket-lam-ky-niem-164261.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Một cuốn sổ" gắn với hàng triệu người dân nhiều thập niên sắp được "cất két" làm kỷ niệm
    POWERED BY ONECMS & INTECH