Xã hội

Một vị trí làm việc ở cấp xã được đề xuất hưởng 200% lương

Minh Phát 10/07/2025 15:23

Đây là một trong những giải pháp được lãnh đạo Chính phủ đưa ra nhằm thu hút và giữ chân lao động chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nhà nước.

Theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đưa tin, sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề liên quan đến “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” trong giai đoạn 2021–2024.

30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực đào tạo

Theo báo cáo của đoàn giám sát, do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày, lực lượng lao động nước ta hiện nay về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực công lập tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, khu vực ngoài công lập ghi nhận sự gia tăng về số lượng lao động, đặc biệt ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành, các tổng công trình sư trong những lĩnh vực mũi nhọn như khoa học, công nghệ hay kinh tế số. Mặt khác, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích ứng và tinh thần chuyên nghiệp.

Một vị trí làm việc ở cấp xã được Phó Thủ tướng đề xuất hưởng 200% lương - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Phạm Thắng

Hiện còn khoảng 38 triệu lao động trên cả nước chưa được đào tạo nghề bài bản. Phân bố nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đồng đều, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn. Dù chất lượng lao động có cải thiện nhưng tốc độ còn chậm, chưa phù hợp với đà phát triển nhanh của thị trường lao động. Bên cạnh đó, công tác đánh giá cán bộ hiện còn hình thức, thiếu định lượng rõ ràng và chưa gắn chặt với sản phẩm đầu ra. Cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ yếu kém cũng chưa hiệu quả.

Với khu vực ngoài công lập, công tác quản lý lao động còn nhiều bất cập. Hệ thống dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị.

Đoàn giám sát đề xuất Chính phủ nghiên cứu và ban hành chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thực hiện. Các nội dung trọng tâm gồm nâng cao năng lực sáng tạo, khai thác hiệu quả trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới, đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục đại học, đào tạo nghề ở các nhóm ngành ưu tiên và lĩnh vực mũi nhọn, mở rộng hợp tác đào tạo với các trường đại học uy tín quốc tế. Cùng với đó là hoàn thiện đề án vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước sau sắp xếp bộ máy và tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao.

Lương 4-5 triệu/tháng thì không thể thu hút được lao động chất lượng cao

Theo VTC News, phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, điều cốt lõi sau quá trình giám sát là phải xây dựng được cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Theo ông, trước hết cần làm rõ khái niệm thế nào là "nguồn nhân lực chất lượng cao", liệu đánh giá dựa trên bằng cấp hay kỹ năng thực hành và trình độ chuyên môn. Chỉ khi thống nhất được định nghĩa này, các giải pháp tiếp theo mới có thể triển khai một cách hiệu quả.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc xây dựng một quỹ đào tạo và thu hút nhân tài là yêu cầu cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng khi Chính phủ trình đề xuất, cần có sự đồng thuận từ Quốc hội để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong triển khai.

Một vị trí làm việc ở cấp xã được Phó Thủ tướng đề xuất hưởng 200% lương - ảnh 2
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Gia Hân

Theo ông, để thu hút và sử dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. “Thu hút vào cơ quan nhà nước hay cả cho doanh nghiệp? Khi thu hút thì chính sách nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào? Ví dụ, thu hút vào cơ quan nhà nước thì có chính sách về biên chế không, họ được vào biên chế ngay không, hay phải hợp đồng. Những vấn đề này cần phải cân nhắc", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã được triển khai, Phó Thủ tướng nhìn nhận thực trạng nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước hiện nay còn hạn chế. Ông chỉ ra rằng nhiều người có năng lực đã rời khu vực công để tìm cơ hội tốt hơn tại khu vực tư nhân.

Ông dẫn chứng cụ thể: “Cơ quan Nhà nước trả lương cho các em, các cháu ở mức như lương công chức, 1 tháng 4-5 triệu đồng thì không thể thu hút được. Cho nên với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ thì phải có cơ chế đặc thù".

Phó Thủ tướng khẳng định rằng chỉ khi có chính sách ưu đãi rõ ràng thì mới có thể giữ chân được nguồn nhân lực quan trọng này. Ông nhấn mạnh: “Ít nhất là phải như Nghị định 140/2017 của Chính phủ (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ), hưởng 200% lương thì chúng ta mới giữ được". Nếu không thể giữ chân nhân tài, việc vận hành hệ thống theo hướng số hóa sẽ gặp nhiều khó khăn và dễ rơi vào tình trạng lộn xộn.

>> Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao

Cán bộ cấp xã, phường của địa phương không thuộc diện sáp nhập vẫn được hưởng chế độ theo Nghị định 178

Hơn 60.000 người đóng bảo hiểm xã hội 1 lần để hưởng lương hưu

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/mot-vi-tri-lam-viec-o-cap-xa-duoc-pho-thu-tuong-de-xuat-huong-200-luong-146500.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một vị trí làm việc ở cấp xã được đề xuất hưởng 200% lương
    POWERED BY ONECMS & INTECH