Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2022 của các tổ chức tín dụng (TCTD), hầu hết các ngân hàng thương mại đều lạc quan với tình hình kinh doanh quý tới.
95% TCTD tin tưởng lợi nhuận tăng trong năm 2022
Cuộc điều tra được Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, các ngân hàng nhận định lợi nhuận đã phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021. Theo đó, có tới 78,8% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020.
Tuy vậy, vẫn có 15,2% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2021 và 6% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Theo các TCTD, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý IV/2021 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý trước. Trong quý I/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ” (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Trong quý IV/2021, hầu hết các TCTD đánh giá cả nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý III/2021.
Đáng chú ý, 95% các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương trong năm 2022, chỉ có 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận sẽ giảm.
Theo đó, chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn là nhân tố quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD. Trong khi đó, các yếu tố cản đường tăng trưởng chủ yếu là cầu thấp, các điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng. Tuy vậy, các yếu tố này được kỳ vọng sẽ cải thiện năm 2022.
Về thanh khoản, theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2021 duy trì ở trạng thái tốt nhưng không dồi dào bằng Quý III/2021 đối với cả VND và ngoại tệ.
Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, cải thiện nhiều hơn trong Quý I/2022 so với Quý IV/2021. Tuy nhiên, các TCTD cho rằng, thanh khoản năm 2022 sẽ "cải thiện” hơn năm 2021, chủ yếu do cầu tín dụng phục hồi.
Trái với nỗi lo nợ xấu, kết quả điều tra cho thấy, đa phần TCTD nhận định nợ xấu toàn hệ thống sẽ tăng nhẹ trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng sẽ giảm nhẹ trở lại trong Quý I/2022.
Tín dụng được kỳ vọng tăng hơn 14%
Nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tăng trở lại làm tăng sự lạc quan của các TCTD. Tại kỳ điều tra này, các TCTD đã điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý I/2022 và cả năm 2022 (64 - 79% TCTD kỳ vọng “tăng” so với 57 - 77% có cùng kỳ vọng ở Quý trước), trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.
Về lãi suất, dù khoảng đầu tháng 12/2021, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn được các TCTD kỳ vọng xu hướng giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên kỳ vọng về mức độ giảm bình quân toàn hệ thống so với cuối năm 2020 có điều chỉnh thu hẹp. Lãi suất thời gian tới được các TCTD dự báo được giữ ổn định trong quý I/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong Quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. 95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022, 3% dự báo duy trì ổn định và 2% TCTD dự báo huy động vốn tăng trưởng âm trong năm 2022.
Tình hình lao động, việc làm tại các TCTD về cơ bản được giữ ổn định trong năm 2021 so với năm 2020 với tỷ lệ TCTD đã tuyển thêm hoặc giữ nguyên lao động đạt 88,2%, cao hơn tỷ lệ 86,6% của năm 2020. Các TCTD dự báo tình hình lao động, việc làm sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022.
Viglacera và 'đại ngân hàng' của Nhật Bản hợp tác, thúc đẩy vốn đầu tư vào các khu công nghiệp
Chủ tịch VietinBank đề xuất 3 giải pháp đột phá cho chuyển đổi số ngành ngân hàng