Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, để góp phần tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, NHNN đã ban hành các văn bản để thực hiện điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) (áp dụng đến hết ngày 30/6/2021)...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, để góp phần tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, NHNN đã ban hành các văn bản để thực hiện điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) (áp dụng đến hết ngày 30/6/2021) đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, để tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn và góp phần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, NHNN xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 5/12/2013 của NHNN ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN (dự thảo Thông tư) giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống TTĐTLNH, dự kiến đến hết ngày 30/6/2022.
Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung Điều 1a tại Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau: Giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 "Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng" tại Phần III "Phí dịch vụ thanh toán trong nước" Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ 8/2021 đến hết ngày 30/06/2022.
Trước đó, NHNN cũng đã đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp đồng thời Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.
NHNN cũng đánh giá áp lực nợ xấu với ngành ngân hàng thời gian tới còn rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Điều này dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng.