Ngành cao su nhận nhiều tín hiệu tích cực, kỳ vọng lãi lớn cuối năm
Những tín hiệu tích cực từ triển vọng kinh doanh đang giúp cho cổ phiếu nhóm cao su tăng mạnh so với đầu năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, tương tự như nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam, ngành cao su xuất khẩu cũng gặp không ít những khó khăn trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh
Nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm kém khả quan, sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Tân Biên (RTB), ... Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào báo lỗ trong nửa đầu năm vừa qua.
Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã CK: GVR) ghi nhận doanh thu quý 2/2023 đạt 4.275 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, giảm 37,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, GVR ghi nhận 8.417 tỷ đồng doanh thu, 1.104 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm gần 20% và 47% so với nửa đầu năm ngoái. Như vậy sau 2 quý tập đoàn mới hoàn thành 34,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận của GVR giảm là do tình hình kinh tế chung biến động làm giá bán mủ cao su giảm trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, các đơn vị đầu tư tại Lào trích lập dự phòng suy giảm giá trị đầu tư do sự suy giảm giá trị của đồng Kip Lào.
Tương tự, Cao su Đồng Phú (MCK: DPR) đã ghi nhận 146,3 tỷ đồng doanh thu và 41 tỷ lãi sau thuế trong quý 2/2023 – giảm 50% và 43% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPR đạt 326 tỷ đồng doanh thu và gần 103 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 35% và gần 14% so với bán niên 2022.
Cao su Tân Biên (RTB) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút 23% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt ghi nhận ở 394 tỷ đồng và 147,5 tỷ đồng.
Cao su Phước Hòa (PHR) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm hơn 13% so với cùng kỳ xuống còn gần 528 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ tiết giảm các khoản chi phí và doanh thu tài chính trong kỳ tăng 66% lên mức 100 tỷ đồng, kết quả, PHR là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ 2% ghi nhận ở mức 361 tỷ đồng.
Tín hiệu khả quan nửa cuối năm
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu được 219,6 nghìn tấn cao su, trị giá 286,8 triệu USD, tăng 22,6% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với tháng 6/2023; So với tháng 7/2022 tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 10,2% về trị giá.
Về giá xuất khẩu, tháng 7/2023, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.306 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 6/2023 và giảm 19,6% so với tháng 7/2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 986,49 nghìn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 do giá cao su liên tục giảm.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang một thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với cùng kỳ năm 2022 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan...
Trong nước, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu dao động từ 240-280 đồng/TSC.
Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hiệp hội Cao su Lào đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm giúp ngành cao su của cả hai nước phát triển và đạt được các mục tiêu bền vững.
Cổ phiếu đang tăng mạnh
Dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm ảm đạm, dù chịu tác động chung của việc giảm điểm toàn thị trường những phiên vừa qua, tuy vậy nhìn chung cổ phiếu nhóm ngành cao su vẫn đạt mức tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm.
GVR của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam vẫn đạt mức tăng 38% từ đầu năm dù vừa trải qua tháng 8 đầy áp lực. Trong 16 phiên giao dịch từ đầu tháng 8 đến nay GVR đã có đến 13 phiên giảm điểm. Song mức giảm này vẫn không "kéo" được hết thành quả tăng mạnh trước đó.
Cổ phiếu PHR của cao su Phước Hòa cũng đã có tỷ lệ tăng 19% tính từ đầu năm 2023 đến nay dù PHR cũng vừa có 6 phiên giảm điểm trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất.
Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất săm lốp cao su như Casumina (CSM) đang chịu áp lực mạnh, CSM đã giảm 9 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất. Tính từ đầu năm 2023 CSM đã giảm khoảng 7%.
Trong khi đó DRC của Cao su Đà Nẵng lại tăng được 7% từ đầu năm dù vẫn chịu áp lực giảm 7 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất.