Tài chính Ngân hàng

Nguồn tiền mắc kẹt, đầu tư tư nhân khó bước tiếp

Khúc Văn 05/02/2024 - 07:41

Một lượng lớn vốn của người dân và doanh nghiệp đang bị mắc kẹt trong các thị trường tài sản là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân trở nên rất khó khăn.

Nguồn tiền đang mắc kẹt trong các thị trường tài sản

Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2022 (tăng 11,4%). Trong đó, đáng chú ý, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% - mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 (3,1%).

Nguồn tiền mắc kẹt, đầu tư tư nhân khó bước tiếp
Nguồn tiền đang mắc kẹt trong các thị trường tài sản.

Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tác động của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và các vấn đề nội tại khiến môi trường đầu tư của Việt Nam đang trở nên xấu đi, rủi ro hơn. Bối cảnh môi trường như vậy khiến cộng đồng doanh nghiệp thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Đây cũng là lý do khiến đầu tư tư nhân năm 2023 thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo đó, quyết định đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó có thể là lãi suất hay chi phí vốn vay, sự thuận lợi trong việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là triển vọng kinh doanh, triển vọng của nền kinh tế.

“Nếu như triển vọng nền kinh tế được đánh giá là xấu đi hoặc chưa tươi sáng thì ngay cả khi lãi suất thấp, doanh nghiệp cũng không lựa chọn đầu tư, bởi lẽ, khi đầu tư ra phải thu được lợi nhuận trong tương lai mà triển vọng này phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới và trong nước”, ông Thế Anh cho biết.

>>Dòng vốn đầu tư tư nhân kỳ vọng tăng 8-9% năm 2024

Còn đối với môi trường kinh tế trong nước, theo chuyên gia, có thể nhận thấy rõ xu hướng đầu tư tư nhân yếu đi là do những vấn đề của thị trường tài sản. Nhìn chung, tiền của người dân đang mắc kẹt tại các thị trường tài sản.

Cụ thể, đầu tư cổ phiếu thì thua lỗ, đầu tư trái phiếu thì mất tiền, điển hình là các vụ doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu. Thị trường bất động sản nhiều phân khúc giá cũng giảm, mất thanh khoản. Người dân mất tiền nhiều trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến thu nhập mới tạo ra cho nền kinh tế không có nhiều.

Nguồn tiền mắc kẹt trong các thị trường tài sản khiến xu hướng hiện nay là người dân trở nên thận trọng hơn. Sự thận trọng thể hiện ở nhiều hành vị, chẳng hạn như việc thận trọng trong tiêu dùng, hướng nhiều vào tiết kiệm, tính mạo hiểm giảm, sẵn sàng chấp nhận lãi suất thấp, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng thay vì đi mua bất động sản hay là đầu tư cổ phiếu, trái phiếu.

Hành vi an toàn này cũng xảy ra tại các doanh nghiệp. Sau những vụ sai phạm liên quan tới đất đai, xăng dầu, y tế, … thì các doanh nghiệp cũng co lại. Bên cạnh đó, công cuộc chống tham nhũng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích, nhưng nếu chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" hay là làm nửa vời thì ít nhất trong ngắn hạn đang gây tác động tâm lý cho doanh nghiệp, bởi ít nhiều những sai phạm trên đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới các doanh nghiệp tư nhân.

Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica cũng chia sẻ thêm, hiện nay do chính sách khó tiên liệu, tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc trì trệ, tồn đọng khiến doanh nghiệp nản lòng. Vì thế, tâm lý né tránh rủi ro, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay dự án mới đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp.

Muốn kích cầu đầu tư tư nhân, hạ lãi xuất thôi thì chưa đủ

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu đầu tư tư nhân, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, cần cố gắng hạ lãi suất cho vay, phát triển thị trường vốn dài hạn, phải khơi thông các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ.

Nguồn tiền mắc kẹt, đầu tư tư nhân khó bước tiếp
Cần cố gắng hạ lãi suất cho vay, phát triển thị trường vốn dài hạn, phải khơi thông các kênh tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Một yếu tố quan trọng quyết định đến đầu tư của doanh nghiệp phải là sự hồi phục của thị trường nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam không thể tách rời kinh tế thế giới, đặc biệt là mảng đầu tư tư nhân và thương mại. Do vậy, muốn trông đợi vào sự phục hồi của đầu tư cần chờ đợi sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kinh tế thế giới phục hồi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mảng FDI hơn là khu vực tư nhân.

>>Phó ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển: 'Ngành công nghiệp tuột mất vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng'

Cũng theo ông Thế Anh, đối với trong nước, có một số yếu tố có thể khôi phục đầu tư tư nhân. Đầu tiên là lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở, đang chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong nền kinh tế và cũng là lĩnh vực đang có nhiều tắc nghẽn.

Theo đó, nếu kéo được đầu tư nhà ở lên sẽ giải quyết một lúc nhiều vấn đề: vừa khơi thông thanh khoản cho thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu ngân hàng, giải quyết viện làm trong lĩnh vực bát động sản, nhu cầu nhà ở của người dân. Khi giải quyết được tắc nghẽn trong lĩnh vực này có thể khơi thông các lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh khác như: Vật liệu xây dựng, nội thất, điện nước,.….Đây cũng là yếu tố có kể kỳ vọng nhất từ khu vực trong nước.

Thứ hai, khi vốn đầu tư tư nhân yếu thì cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Song, cần tập trung vào những dự án trọng điểm quốc gia, không đầu tư dàn trải vì sẽ lãng phí, không giải quyết được vấn đề gì.

“Đây là những vấn đề mà Việt Nam có thể chủ động giải quyết được. Môi trường đầu tư ấm lên khi doanh nghiệp tin tưởng vào nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các cơ quan quản lý. Thúc đẩy đầu tư tư nhân là vấn đề rất quan trọng bởi quy mô khu vực đầu tư tư nhân lớn hơn đầu tư công rất nhiều. Đầu tư công hiện chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội, trong khi đầu tư tư nhân chiếm đại đa số”, ông Thế Anh khẳng định.

Ngoài ra, đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư mở rộng, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm nay với việc ban hành riêng Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh Chính Phủ đã phát đi thông điệp: chọn cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Theo đó, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ mạnh mẽ hơn năm trước, sẽ giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể.

Bởi, nếu môi trường kinh doanh cải thiện nhanh, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ yên tâm đầu tư mở rộng, đầu tư mới để khi kinh tế thế giới thuận lợi hơn, họ sẽ tận dụng ngay được cơ hội mà bứt phá. Khi đó sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn từ bối cảnh bên ngoài.

Cùng với đó cần tận dụng các thuận lợi bên ngoài như thị trường và công nghệ. Đây hai yếu tố mà nước nào tận dụng được thì phát triển được. Đồng thời, phải xóa bỏ được tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm đang là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay.

>>PGS.TS Phạm Thế Anh: 'Nền kinh tế đang gặp khó khăn lớn, đầu tư tư nhân giảm mạnh'

Thưởng Tết doanh nghiệp bất động sản: Bao giờ lại có ô tô sang, trăm triệu?

Quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TPHCM

Lộ diện doanh nghiệp 3 tháng tuổi muốn chi gần 300 tỷ làm dự án khu nhà ở tại Nghệ An

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguon-tien-mac-ket-dau-tu-tu-nhan-kho-buoc-tiep-222002.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nguồn tiền mắc kẹt, đầu tư tư nhân khó bước tiếp
POWERED BY ONECMS & INTECH