Doanh nghiệp A-Z

Nhà máy gang thép 330 triệu USD của liên danh Việt - Trung sắp ‘châm lò’ trở lại sau 3 năm ngừng hoạt động

Thu Huyền 25/03/2025 09:37

Dự kiến cuối tháng 3/2025, nhà máy gang thép 330 triệu USD sẽ bắt đầu châm lửa lò cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.200 lao động.

Theo báo Lao Động, ngày 24/3/2025, có mặt tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, theo ghi nhận của phóng viên, Nhà máy Gang thép Lào Cai được đặt trong khuôn viên rộng lớn nằm cạnh trục đường giao thông chính. Xung quanh là hàng loạt nhà máy hóa chất đang nhộn nhịp hoạt động.

Theo ông Nguyễn Đình Tứ – Phó Giám đốc xưởng nguyên liệu thiêu kết, Nhà máy Gang thép Lào Cai – công tác khôi phục, sửa chữa thiết bị của xưởng hiện đã hoàn thành khoảng 95%, phần còn lại là dọn dẹp vệ sinh công nghiệp. Số lượng công nhân cũ quay lại làm việc tương đối đầy đủ để đáp ứng tiến độ khôi phục sản xuất. Dự kiến, cuối tháng 3/2025, nhà máy sẽ bắt đầu châm lửa lò cao.

Về nguồn nguyên liệu, nhà máy sẽ sử dụng 30.000 tấn quặng tồn đã được tập kết và 194.000 tấn quặng tại mỏ sắt Quý Xa. Với nguồn quặng này, dự kiến có thể duy trì sản xuất trong khoảng 4–5 tháng. Trong thời gian này, nhà máy tiếp tục hoàn thiện thủ tục đóng cửa mỏ để làm cơ sở xin cấp lại quyền khai thác.

Nhà máy gang thép 330 triệu USD của liên doanh Việt - Trung sắp ‘châm lò’ trở lại sau 3 năm ngừng hoạt động
Toàn cảnh nhà máy gang thép nghìn tỷ tại khu công nghiệp lớn nhất Lào Cai (Ảnh: Báo Lao động)

Trước đó, nhằm đảm bảo tiến độ sửa chữa, VTM duy trì lực lượng thường trực gồm 283 cán bộ, nhân viên của công ty, phối hợp với 50 chuyên gia và lao động từ Trung Quốc tham gia trùng tu nhà máy.

Ông Trần Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung (VTM) khẳng định: “Chúng tôi tin chắc rằng, chỉ cần nguồn nguyên liệu quặng sắt Quý Xa được đảm bảo thì các bên liên doanh, Ban điều hành VTM sẽ có đủ sự tự tin và khả năng để nhanh chóng khôi phục sản xuất, tạo ra lợi nhuận, đồng thời đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.200 lao động”.

Được biết, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn nguyên liệu, dịch COVID-19 và mất cân đối tài chính, Nhà máy Gang thép Lào Cai đã phải dừng sản xuất. Sau 3 năm ngừng hoạt động, hiện các công nhân đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để nhà máy tái khởi động.

Nhà máy Gang thép Lào Cai được khởi công xây dựng vào tháng 4/2011 tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, chính thức đi vào hoạt động năm 2014. Dự án này được đầu tư bởi Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM) - liên danh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL - UPCoM: TVN), CTCP Khoáng sản Lào Cai (LAMICO) và Công ty TNHH Khống chế Cổ phần Gang thép Côn Minh (KISC) đến từ Trung Quốc. Tổng mức đầu tư ban đầu là 337,52 triệu USD, công suất thiết kế 1 triệu tấn thép/năm.

Về tình hình sản xuất, từ cuối năm 2017, sau khi Thanh tra tỉnh Lào Cai tiến hành kiểm tra dự án nhà máy gang thép và mỏ sắt Quý Xa thuộc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung, kết quả cho thấy dự án đã thua lỗ liên tiếp trong 2 năm đầu hoạt động. Tính đến ngày 31/12/2016, tổng lỗ lũy kế lên tới 1.188 tỷ đồng.

Bên cạnh khoản nợ thuế với Nhà nước, doanh nghiệp này còn nợ lương của 1.262 người lao động với tổng số tiền 135 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, hết 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất – kinh doanh tiếp tục khó khăn, lỗ thêm 115,58 tỷ đồng và nhà máy đã dừng hoạt động từ ngày 14/5/2022 đến nay.

>> Ngân hàng xóa hơn 500 tỷ đồng lãi vay cho nhà máy thép của Bộ Công Thương đã ‘đắp chiếu’ 18 năm

Hòa Phát muốn làm thêm nhà máy thép 10.000 tỷ: Ai sẽ chèo lái khi ông Trần Đình Long rút dần?

Giá thép HRC thế giới tăng phi mã, 'siêu dự án' 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát đi vào vận hành trong tuần này?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-may-gang-thep-330-trieu-usd-cua-lien-doanh-viet-trung-sap-cham-lo-tro-lai-sau-3-nam-ngung-hoat-dong-284050.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà máy gang thép 330 triệu USD của liên danh Việt - Trung sắp ‘châm lò’ trở lại sau 3 năm ngừng hoạt động
    POWERED BY ONECMS & INTECH