Vĩ mô

Nhặt được của rơi, có tạm thời đút túi được không?

Mỹ Lê 09/11/2023 - 15:14

Tưởng dễ nhưng xử sao cho đúng khó hơn mọi người vẫn tưởng!

Trong thời gian vừa qua có nhiều bài báo về các trường hợp người dân nhặt được tài sản có giá trị lớn bị đánh rơi đã trình báo cơ quan chính quyền để tìm lại người đánh mất. Đây là hành động rất ý nghĩa và đáng được tuyên dương, khen ngợi. Tuy nhiên đứng về góc độ pháp lý, người dân cũng cần nắm rõ các quy định của pháp luật về nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi nhặt được của rơi để có các ứng xử phù hợp khi gặp tình huống này.

Xử lý như thế nào khi nhặt được của rơi

Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên có các hướng xử lý như sau:

  • Trường hợp biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó;
  • Trường hợp không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) hoặc công an cấp xã (phường) nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) hoặc công an cấp xã (phường), nơi đã nhận tài sản bị đánh rơi, bỏ quên phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

Lưu ý khi tiến hành giao nộp tài sản nhặt được do người khác đánh rơi, bỏ quên thì người giao nộp phải yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) hoặc công an cấp xã (phường) lập biên bản ghi nhận sự việc và liệt kê danh mục các tài sản giao nộp.

khi-nao-duoc-so-huu-tai-san-nhat-do-bo-roi_18091539131

Với quy định của pháp luật như trên, dù tài sản có giá trị lớn hay nhỏ, dù biết hay không biết địa chỉ của người đánh rơi, bỏ quên tài sản thì người nhặt được tài sản phải thực hiện các biện pháp để trả lại cho người đánh rơi, bỏ quên như trên.

Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 230 Bộ luật Dân sự, sau 01 năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà Chủ sở hữu không đến nhận hoặc không xác định được Chủ sở hữu cho số tài sản này, thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

  • Nếu tài sản này có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được nhận và trở thành Chủ sở hữu của số tài sản đó.
  • Nếu tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở, phần giá trị còn lại thuộc về nhà nước.

Kể từ ngày 01/7/2023 theo Nghị quyết 69/2022/QH15, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, như vậy

  • Giá trị tài sản bị đánh rơi, bỏ quên nhỏ hơn hoặc bằng 18 triệu đồng: Người nhặt được tài sản được nhận và trở thành chủ sở hữu của tài sản này.
  • Giá trị tài sản bị đánh rơi, bỏ quên lớn hơn 18 triệu đồng: Người nhặt được tài sản được hưởng giá trị là 18 triệu đồng và 50% số tiền vượt trên 18 triệu đồng (sau khi trừ chi phí bảo quản tài sản), giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử-văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về nhà nước. Người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. Theo Điều 30 nghị định 29/2018/NĐ-CP ban hành ngày 05/8/2018, mức chi thưởng được xác định như sau:

  • Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%;
  • Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%;
  • Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%;
  • Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%;
  • Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%;

Giá trị của tài sản để trích thưởng trên được xác định sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định của pháp luật

Nhặt được tài sản bị đánh rơi nhưng không trả lại thì sao

Đây chắc chắn cũng là điều khiến nhiều người nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên phân vân và muốn tìm hiểu. Nếu nhặt được tài sản mà không trả lại hoặc nộp cho cơ quan chức năng theo quy định ở trên thì người nhặt được tài sản có thể đối mặt với việc:

  • Bị xử phạt hành chính: mức phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng cho hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” - theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP; hoặc
  • Bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, nhặt được tài sản không trả lại có thể bị xử phạt hành chính đến 05 triệu hoặc nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đến 05 năm tù.

Luật sư Trần Mỹ Lê – Đoàn Luật sư Hà Nội

Email: letm@hotrokhoinghiep.vn

Lừa cung cấp dịch vụ giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản

Bị kẻ giả danh nhân viên ngân hàng dẫn dắt, cô gái ở Hà Nội bị lừa gần 2 tỷ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nhat-duoc-cua-roi-co-tam-thoi-dut-tui-duoc-khong-d111206.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhặt được của rơi, có tạm thời đút túi được không?
    POWERED BY ONECMS & INTECH