Nhiều “ông lớn” thể hiện cam kết đầu tư gắn bó, thống kê cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đổ vào Việt Nam đạt 10,86 tỷ USD.
Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing mới đây đã chính thức mở văn phòng thường trực tại Hà Nội. Chia sẻ tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu đánh giá, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu, bởi vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực, với tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, dân số 100 triệu người, tốc độ phát triển kinh tế nhanh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và việc ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Đồng thời khẳng định Boeing sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác tại Việt Nam với cam kết dài hạn, tăng cường hợp tác với các hãng hàng không và các đối tác Việt Nam, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành hành không và công nghiệp hàng không Việt Nam, đóng góp cho cho quan hệ toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết thêm, Văn phòng Boeing ở Hà Nội sẽ đóng vai trò là trung tâm hợp tác, kết nối các đối tác nhằm hỗ trợ Boeing triển khai các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam.
Các chuyên gia đánh giá, tương lai 30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Do đó, Boeing cho biết muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Boeing muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng cũng như hợp tác với các trường đại học Việt Nam.
“Nếu Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng, môi trường đầu tư hợp lý và sự quan tâm của Chính phủ, Việt Nam sẽ là thị trường rất tiềm năng. Boeing muốn theo gương Samsung hay Intel… tìm kiếm thêm các nhà cung ứng tại Việt Nam”, ông Michael bày tỏ và cho biết, hiện tại Boeing có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, trong đó có một công ty của Việt Nam. Về lâu dài, Boeing muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam.
Cũng giống như Boeing, AEON Việt Nam cũng xác định Việt Nam là thị trường đầu tư trọng điểm, chỉ sau Nhật Bản trong chiến lược phát triển những năm tới.
Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban Giám đốc điều hành của Tập đoàn AEON phụ trách thị trường Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, trong 3-5 năm tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở các trung tâm mua sắm quy mô lớn.
“Cùng với đó, để đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch về ưu tiên sự tiện lợi, chúng tôi sẽ phát triển đa dạng mô hình kinh doanh, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương, ví dụ như: trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, siêu thị cỡ vừa, siêu thị cỡ nhỏ. Từ đó, chúng tôi cũng có thể tăng tốc việc mở mới cửa hàng, đem đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cho người dân địa phương”, ông Furusawa cho biết.
Không riêng những “ông lớn” kể trên, thống kê cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đổ vào Việt Nam đạt 10,86 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Con số trên tương đối khả quan trong bối cảnh dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên toàn cầu bị thu hẹp, sau khi FED liên tục tăng lãi suất thời gian qua. Đáng chú ý, vốn đăng ký mới còn tăng mạnh gần 28% so với cùng kỳ, đạt 5,26 tỷ USD.
Nếu nhìn về tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tháng 4 khá nổi bật với lượng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD.
Sau 5 tháng, vốn cấp mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng, chỉ còn vốn điều chỉnh là giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn trong 5 tháng cũng tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 66,4% và 22,8%.
Việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 14 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, xúc tiến các hoạt động đầu tư.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định bất chấp việc chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2024.
“Chúng tôi tin rằng FDI có thể sẽ vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần”, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhấn mạnh.
Dẫn khảo sát của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, đại diện VinaCapital cho biết, thuế suất thấp không phải là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của công ty về địa điểm đầu tư cho nhà máy mới. Các yếu tố khác như ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (chất lượng & tiền lương) và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng hơn.
Thậm chí, theo ông Michael Kokalari, thuế suất tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn FDI của Việt Nam do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam. Hơn nữa, khả năng Việt Nam sẽ có những giải pháp thay thế cho thuế suất tối thiểu toàn cầu khi cơ chế này được triển khai.
Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến 2050
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết 18