Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, hàng trăm doanh nghiệp niêm yết đã “tranh thủ” lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu nhằm tăng huy động vốn.
Thực tế, việc hàng loạt doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán được đánh giá là khá tích cực, bởi khi quy mô vốn tăng lên sẽ giúp các kế hoạch kinh doanh được thuận lợi triển khai và cũng là lời khẳng định của những doanh nghiệp làm ăn có lãi, có “của để dành”.
Cụ thể, việc tăng nguồn cung cổ phiếu sẽ làm tăng số cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng, dẫn đến làm giảm tính hấp dẫn của các chỉ số định giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn.
Dẫn ví dụ nhóm cổ phiếu chứng khoán, Fiin Group nhận định, từ đầu năm đến hết tháng 5, nhóm cổ phiếu này đã tăng hơn 58%. Điều này cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 (dự báo tăng 27%) đã được phản ánh vào giá và đưa cổ phiếu chứng khoán lên một mặt bằng định giá mới với chỉ số P/B (giá/giá trị sổ sách) ở mức 2,1x, cao hơn gần gấp đôi so với P/B trung bình 3 năm ở mức 1,2x...
Chưa kể, các cổ đông nội bộ còn có xu hướng bán mạnh, khiến nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng đứng trước nguy cơ giảm khi doanh nghiệp phát hành thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp phân tích: “Khi nồi cháo đã to hơn, nó sẽ loãng ra nhiều và cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối - chính là việc gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp trong các năm tới thì mới ngon trở lại. Bát cháo mà chúng ta nhận phụ thuộc vào chính kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý cuối năm nay và năm 2022”.
Thực tế cho thấy, đã có khá nhiều phương án phát hành khiến dư luận xôn xao vì sự bất hợp lý, giá cổ phiếu mãi không trở về vùng giá cũ, như tại Đất Xanh (mã: DXG), Nhựa An Phát Xanh (mã: AAA), Gilimex (mã: GIL)… Tuy nhiên, cũng có những thương vụ thành công giúp các nhà đầu tư "hái ra tiền".
Câu chuyện tại CTCP Tập đoàn Hoà Phát là một điển hình. Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư còn nhớ năm 2017 khi doanh nghiệp công bố phương án phát hành với mức giá 20.000 đồng/cp (giá trên sàn là 30.000 đồng/cp) đã khiến giá cổ phiếu HPG lao dốc, cổ đông bức xúc, thị trường chê bai, các chuyên gia phân tích đều đưa ra một kết quả “gãy trend”.
Thế nhưng, cổ phiếu HPG đã vươn mình tăng trưởng lên mức giá gần 68.000 đồng/cp (phiên 26/5/2021), tương đương mức tăng gấp hơn 2 lần so với cách đây 4 năm.
Tới đây, hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức của Hoà Phát sẽ chính thức được giao dịch và lượng cổ phiếu này cũng khiến giá của cổ phiếu HPG điều chỉnh về vùng giá 5x. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, dù còn nhiều băn khoăn với định hướng sử dụng đồng vốn của Hoà Phát, nhưng HPG vẫn là cổ phiếu đáng để đầu tư nếu xác định theo đuổi dài hạn và kỳ vọng một tỷ suất sinh lời hợp lý.
Theo các chuyên gia, không phải sự pha loãng nào cũng mang lại rủi ro. Điều quan trọng là trước khi xuống tiền, nhà đầu tư cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia cổ phiếu mới của từng doanh nghiệp để tránh thiệt hại.