Những chính sách mới thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh được kỳ vọng là đòn bẩy cực mạnh cho du lịch Việt Nam tăng tốc.
Với 95,14% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, được kỳ vọng sẽ là "cú hích" cực mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế.
Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) kéo dài từ 30 lên 90 ngày. Một khi được cấp thị thực điện tử 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định…
Đây là điều doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành mong chờ những năm qua khi đón khách quốc tế trở lại. Hậu COVID-19, Việt Nam mở cửa biên giới trở lại, nhưng visa - cánh cửa đầu tiên đón khách quốc tế - dường như chỉ mới mở hé. Với chính sách mới, khách quốc tế có thể thoải mái hơn về tâm lí khi du lịch Việt Nam.
Visa thông thoáng hơn, ngành du lịch có thể tiến tới thúc đẩy, thu hút khách từ thị trường tiềm năng của Châu Âu như các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy… vốn có xu hướng du lịch dài ngày.
"Chính sách visa đã được mở, đây là cú hích rất mạnh đối với ngành du lịch khi mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm sắp đến. Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách trong năm nay hoàn toàn có khả năng vượt nhờ vào động lực tăng trưởng ở mùa cao điểm khách quốc tế và những chính sách thuận lợi mới được thông qua", một lãnh đạo Tổng cục Du lịch hào hứng chia sẻ ngay sau khi Quốc hội thông qua dự luật.
Nới chính sách visa vốn được các doanh nghiệp du lịch, lữ hành "ngày đêm mong mỏi". Chính sách này được cải tiến, đồng nghĩa doanh nghiệp có thể thỏa sức "đánh bắt" ở thị trường xa và có chi tiêu cao. Điều này sẽ tạo ra một luồng gió mới cho ngành du lịch Việt Nam, giúp tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Không chỉ là tin vui với riêng ngành du lịch, đây còn là cơ hội vực dậy cho cả ngành hàng không và hệ thống lưu trú. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng có cơ hội thoát cảnh lao đao. Nhiều nhà đầu tư sẽ có cơ hội thuận lợi hơn trong việc đi lại, di chuyển và thúc đẩy hoạt động đầu tư ở Việt Nam.
Nới chính sách visa là một điều kiện tốt để thu hút khách du lịch nước ngoài nhưng đó "không phải là tất cả". Visa là sự khởi đầu, là lời mời gọi không có gì tốt hơn, thể hiện sự chào đón đối với du khách. Còn việc khách có quay trở lại, có lưu trú dài ngày, có chi tiêu nhiều hay không phụ thuộc vào nhiều điều, từ sản phẩm du lịch hấp dẫn, cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ chất lượng cao, phong phú… hay chỉ đơn giản là một nụ cười thân thiện luôn trên môi.
Tất cả điều đó đòi hỏi sự chung tay, góp sức của người dân, của tất cả chủ thể liên quan, "trên nóng, dưới cũng phải quyết liệt" để phát triển ngành du lịch "nhanh, bền vững, hiệu quả, văn minh, lành mạnh, hội nhập", như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.