Nữ CEO đưa món trà sữa nướng quốc dân về Việt Nam: Khởi nghiệp là dám bước ra khỏi vùng an toàn để hướng tới phiên bản tốt nhất của chính mình
Nguyễn Viên An – Founder kiêm CEO của thương hiệu trà sữa nướng Yihetang.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với doanh nhân Nguyễn Viên An – Founder kiêm CEO của thương hiệu Yihetang diễn ra trong chính cửa hàng Yihetang Khúc Thừa Dụ. Đây cũng là trụ sở của VAG, công ty chủ quản của thương hiệu này. Được biết đến với cái tên “An tổng” nhờ những nội dung tích cực, truyền cảm hứng trên mạng xã hội, nữ doanh nhân Viên An mang lại cho người đối diện cảm giác gần gũi với nụ cười ấm áp tràn đầy năng lượng. Từ đây, những câu chuyện về chặng đường khởi nghiệp, về trà, về cảm nhận của người phụ nữ làm kinh doanh cứ thế được chia sẻ một cách nhẹ nhàng nhưng đầy lôi cuốn.
Được biết, trước đây chị từng là một chuyên viên đối ngoại. Ngã rẽ nào đưa Viên An đến với con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B?
Ngã rẽ này đến với tôi như một cơ hội bất ngờ. Công việc trước đó mang lại thu nhập ổn định và có nhiều cơ hội thăng tiến nhưng tôi quyết định dành thời gian nhiều hơn cho các con và gia đình nhỏ. Thời điểm gia đình tôi về quê chồng ở Trung Quốc sau khi sinh bé thứ 2 cũng là lúc món trà sữa nướng YiHeTang đang nổi đình nổi đám. Sau khi nếm thử tôi lập tức nảy ra ý tưởng đưa món này về Việt Nam.
Ban đầu, tôi đăng bài lên Facebook để xem nhu cầu của mọi người ra sao. Bất ngờ là rất nhiều người muốn được thử món đồ uống mới này nên tôi đã nhận ship hàng về Việt Nam, bán theo hình thức trà sữa xách tay mỗi ngày từ 800 đến 1.000 cốc và hầu hết đều trong tình trạng cháy hàng. Phản hồi của khách hàng quá tốt cũng như nhu cầu rất lớn đã thôi thúc tôi kinh doanh bài bản để đưa Yihetang xuất hiện ở thị trường Việt Nam một cách chính thức.
Cảm thấy cơ hội đến cũng là lúc tôi chính thức bước ra khỏi vùng an toàn, “khăn gói” sang Hồ Bắc, Trung Quốc để tham gia khoá học của công ty Yihetang Tea&Coffee về pha chế, nguyên liệu cũng như phục vụ. Sau khi lấy được chứng chỉ, tôi về Việt Nam và bắt tay vào việc xây dựng nên Yihetang của mình.
Từ cửa hàng Yihetang đầu tiên, đến nay chị đã phát triển được chuỗi trà sữa với hơn 20 điểm bán. Trong hành trình từ khi bắt đầu kinh doanh đến mở rộng chuỗi, với chị điều gì là khó khăn nhất?
Khó khăn nhất khi bắt tay vào kinh doanh chính là lúc tôi nhận ra, từ đam mê, sở thích chuyển thành nghề nghiệp là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Khi bán trà sữa xách tay, tôi chỉ nhận đơn hàng và ship, không có hàng tồn kho, không có chi phí mặt bằng hay nguyên vật liệu… Tôi không phải cân nhắc về lãi – lỗ, lúc đó chưa gọi là kinh doanh được.
Còn khi chính thức mở cửa hàng, tôi bắt đầu nhận ra “à, làm thật rồi”. Phải tính đến nhiều thứ, không chỉ các khoản chi phí mà còn các khâu thủ tục giấy tờ và lên chiến lược vận hành, quản lý một cửa hàng. Tất cả hoàn toàn không đơn giản. Tôi gặp phải những thất bại đầu tiên: nhân sự nghỉ việc, doanh thu không như kỳ vọng, nhân sự không đạt chuẩn, khách hàng khiếu nại phản hồi, liên tiếp những thương hiệu mới mở ra khiến lượng khách hàng sụt giảm, giá thuê mặt bằng đắt đỏ….
Áp lực về vốn và quyết tâm không làm ảnh hưởng đến thương hiệu về mặt truyền thông buộc tôi phải học rất nhiều thứ. Đó là học quản trị nhân sự, học cách hoàn thiện tất cả các thủ tục pháp lý, giấy tờ kinh doanh, học cách lên chiến lược, học cách vận hành, học cách quản lý dòng tiền… Lúc đầu là học từ người xung quanh, học trên mạng, học từ những mô hình thành công cho tới học từ những thất bại của bản thân và của người khác. Trở nên trưởng thành hơn sau mỗi bài học, tôi dần tích luỹ kinh nghiệm và xác định được hướng đi đúng đắn của Yihetang.
Hiện nay, đã và đang có rất nhiều thương hiệu trà sữa trên thị trường, đâu là điểm nhấn để Yihetang khẳng định vị trí của mình?
Đối với người làm dịch vụ, việc đặt khách hàng là trung tâm cho mọi sản phẩm dịch vụ chính là điều cần thiết nhất. Để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất, Yihetang luôn nhấn mạnh vào 2 yếu tố.
Điểm mấu chốt đầu tiên chính là vì chất lượng sản phẩm. Ngay từ ban đầu, tôi bị thuyết phục bởi chất lượng của sản phẩm nên sau khi trở thành một người kinh doanh tôi luôn tâm niệm phải đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu.
Đặc biệt, xu hướng gần đây của mọi người đều quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ, mà đó chính là những gì Yihetang muốn mang đến cho khách hàng. Chính trong tên gọi của thương hiệu Yihetang có nghĩa là Ích Hoà Đường, một ngôi nhà ngũ cốc tốt cho sức khoẻ. Yihetang Việt Nam được phát triển theo hướng vì sức khoẻ người tiêu dùng, tạo ra quan điểm mới về trà sữa cũng như các loại đồ uống tốt cho sức khoẻ đồng thời vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon, phù hợp với khẩu vị của khách hàng.
Muốn làm được như vậy, chúng tôi phải lựa chọn từ nguyên vật liệu tươi ngon nhất, cách pha chế chuẩn chỉnh và menu đa dạng theo mùa. Khâu kiểm soát chất lượng tại Yihetang có thể nói là khâu quan trọng nhất, trước khi một sản phẩm tới tay người tiêu dùng tất cả mọi thứ phải được kiểm duyệt chặt chẽ đảm bảo chất lượng đồng đều trong mỗi ly trà.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm là chất lượng nhân sự. Tôi cho rằng, mỗi nhân sự là một đại điện của thương hiệu, nhân sự tốt thì thương hiệu sẽ tốt. Nhân sự là cầu nối giữa khách hàng với doanh nghiệp. Để nhân sự thực sự tâm huyết với thương hiệu cũng là một bài toán đặt ra cho người đứng đầu doanh nghiệp. Tôi cũng từng làm nhân viên nên từ những bài học của bản thân mình, tôi học được cách xem nhân viên là cộng sự để có thể trò chuyện thẳng thắn minh bạch với nhân viên.
Rất nhiều ý tưởng hay, nhiều điểm sáng tạo và đổi mới là đến từ những cuộc trò chuyện như thế. Đối với thế hệ nhân viên trẻ và sáng tạo, tôi luôn tôn trọng và mong muốn họ có môi trường để thể hiện khả năng của mình cũng như trao cho họ trách nhiệm song hành cùng thương hiệu để từ đó chất lượng phục vụ khách hàng luôn được đảm bảo.
Về sản phẩm, yếu tố nào giúp cho các món đồ uống cửa Yihetang được yêu thích sau khi ‘cơn sốt’ trà sữa nướng hạ nhiệt và cạnh tranh được với những tên tuổi cùng ngành?
Món đồ uống làm nên tên tuổi của Yihetang là trà sữa nướng, vì vậy tôi tâm niệm luôn phải duy trì chất lượng và tạo ra sức hút cho món đồ uống mang tính truyền thống này để đây luôn là một món chính trong menu. Đồng thời đa dạng thực đơn để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Hiện tại bên cạnh trà sữa nướng, trà sữa, các món trà hoa quả, cafe hay smoothie của Yihetang đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ khách hàng. Đội ngũ R&D cũng đặc biệt tạo ra những món độc đáo, mà chỉ Yihetang mới có như: hắc tang tẩm, hoa quả sơn cực phẩm, món trà xanh sữa nướng,… Bên cạnh đó, những món đồ uống liên quan đến cafe được biến tấu như cafe nướng hay kiểu phổ biến như mocha, latte luôn được đánh giá cao về hương vị.
Không thể không nhắc tới việc Yihetang chú trọng vào dòng trà hoa quả để tạo nên những đồ uống không chỉ ngon miệng, đẹp mắt mà còn rất tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại thị trường Việt Nam, những thương hiệu lớn như Phúc Long, Highlands, Dingtea,… đã khẳng định được chỗ đứng trong thị trường F&B đầy biến động. Đối với tôi, đó vừa là đối thủ nhưng cũng là những đàn anh cùng ngành để mình có thể học tập. Như Highlands Coffee đã mở hơn 700 cửa hàng tại Việt Nam, độ phủ sóng rất cao nhưng song song với đó là sự đảm bảo về chất lượng dịch vụ rất tốt. Hay Phúc Long, một thương hiệu trà truyền thống thành công nhất tại Việt Nam khi kết hợp hương vị được lưu truyền từ xưa với phong cách hiện đại và sáng tạo ngày nay để không ngừng mở rộng và được sự đón nhận của nhiều lứa tuổi.
Mỗi thương hiệu là một cuốn sách, mình đều có thể học được những bài học từ đó.
Trong tương lai, định hướng phát triển của Yihetang là gì? Liệu Yihetang có trở thành chuỗi nhượng quyền?
Có thể nói năm 2024 là một năm hứa hẹn bùng nổ của Yihetang khi cuối năm 2023 công ty của tôi đã ký hợp đồng chiến lược với với Tập đoàn mẹ trong giai đoạn 2023-2028 để đẩy mạnh phát triển thị trường tại Việt Nam. Cửa hàng của tôi sẽ được thừa hưởng tài nguyên cũng như những ưu đãi đặc biệt. Ví dụ, khi cần ra mắt sản phẩm mới sẽ có đội ngũ chuyên gia R&D sẽ sang Việt Nam, ở 1 tháng để nghiên cứu thị trường để tìm ra nguyên liệu và một món mới phù hợp khẩu vị người Việt Nam.
Đây là cột mốc quan trọng để Yihetang có thể tạo ra sự chuyển mình trên thị trường F&B. Yihetang dự định sẽ mở thêm từ 40-50 điểm bán ở thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận.
Hiện Yihetang đang tự vận hành các cửa hàng của mình, đó là một thế mạnh để tôi có thể chủ động đảm bảo được sự đồng đều cũng như chất lượng từng cửa hàng trong chuỗi. Việc mở chuỗi nhượng quyền có thể giúp thương hiệu đi nhanh nhưng cũng có mặt trái đó là kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Có rất nhiều thương hiệu trên thị trường bùng nổ bằng hình thức nhượng quyền, bản thân tôi cũng đã từng nghĩ tới và thí điểm mô hình nhượng quyền nhưng vướng phải những khó khăn nhất định nên đã quyết định dừng lại. Nên tôi nghĩ phải thực sự cân nhắc khi làm nhượng quyền. Có lẽ khi Yihetang đạt đủ yêu cầu về quy trình, đội ngũ, quy chuẩn đảm bảo cho việc kiểm soát chất lượng cửa hàng nhượng quyền thì mới có thể nghĩ đến việc nhân bản được.
Chị có lời khuyên nào dành cho các startup, đặc biệt là những người phụ nữ muốn startup?
Đối với những người dự định khởi nghiệp, bên cạnh vốn tôi nghĩ điều quan trọng nhất là kiến thức. Hãy chắc chắn về thứ bạn muốn làm, tìm hiểu thị trường, nguồn nguyên vật liệu, khách hàng cũng như đối thủ cạnh tranh. Kiến thức không bao giờ là thừa và việc học không bao giờ là đủ cả.
Là một người phụ nữ, tôi rất hi vọng những người phụ nữ quanh tôi đều tự tin, rạng rỡ và tự do. Tự do ở đây là tự do về tư tưởng, về tài chính và về những quyết định của bản thân.
Nếu tôi vẫn làm công việc văn phòng hay dừng lại ở việc bán hàng online hoặc trà sữa xách tay, có lẽ tôi vẫn có một cuộc sống hạnh phúc và ổn định. Nhưng sau khi nắm bắt cơ hội đúng thời điểm và đánh đổi đúng đắn, tới hiện tại tôi cảm thấy đây là phiên bản phù hợp nhất với mình. Là một Viên An mà bản thân tôi có thể cảm thấy tự hào.
Lựa chọn và đánh đổi luôn là việc khó khăn, khởi nghiệp cũng thế. Nhưng nếu có cơ hội khiến mình trăn trở thì nên cân nhắc. Hãy can đảm để không phải hối tiếc bất cứ điều gì.
Xin cảm ơn chị.