Nữ hoàng trứng Ba Huân: chưa học hết lớp 5, tay trắng dựng lên cơ ngơi nghìn tỷ
Sau bao giông tố, đến nay Ba Huân đã hoạt động ổn định và quy mô tài sản hiện lên tới 2.500 tỷ đồng.
Khởi nghiệp là một lái buôn chuyên đi mua trứng gà, trứng vịt ở các tỉnh miền Tây sông nước, bà Ba Huân đã lập lên cả một đế chế sản xuất trứng sạch hàng đầu Việt Nam. Bà từng được Forbes vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam và được mệnh danh là nữ hoàng hột vịt.
Tạo cơ nghiệp từ quả trứng
Cô Ba hay Bà Ba Huân là cái tên gọi thân mật của nữ doanh nhân Phạm Thị Huân. Bà sinh năm 1954 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên bà chỉ học hết lớp 5 rồi phải bỏ ngang để đi làm phụ giúp gia đình lo cho đàn em ăn học.
Nhờ năng khiếu kinh doanh, đến năm 16 tuổi, bà Huân được mẹ truyền nghề. Một mình bà nhỏ tuổi, ít vốn, phải lặn lội đến từng cánh đồng nuôi vịt ở miền Tây để mua tận gốc, bán tận ngọn.
Những năm 1970, khi đang làm ăn thuận lợi thì chính sách “ngăn sông cấm chợ” nổ ra nên không ai bán trứng cho tiểu thương nên bà đã tạm gác “nghiệp trứng”.
Sau một thời gian ngắn, bà xin vào làm cho công ty Nông sản Kiên Giang với vị trí công nhân chuyên đi thu mua trứng. Bà kể thời đó tỷ lệ hao hụt trứng vỡ, trứng nứt được công ty cho phép là 5%, nên bà được phép nhặt về bán lại cho các mối lò bánh bao, bánh ngọt… trên Chợ Lớn Sài Gòn.
Vậy nhưng đùng một cái, Công ty Nông sản Kiên Giang tuyên bố giải thể, khiến bà bị thất nghiệp. Lo cho gia đình, bà quyết định lên chợ Lớn Sài Gòn để mở vựa trứng riêng. Khó khăn, thiếu vốn, thiếu đầu vào, nhiều lúc vựa trứng của Ba Huân tưởng chừng như vỡ nợ. Với những kinh nghiệm tích vào trong bao năm từ những chuyến ghe dọc ngang sông nước vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã giúp sạp trứng của bà phục hồi.
Năm 2001 vựa trứng Ba Huân phát triển thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng, giải quyết được việc làm cho hơn 100 công nhân. Lúc đó thương hiệu Ba Huân đã trở thành cái tên quen thuộc của biết bao người tiêu dùng.
Đón đầu công nghệ
Năm 2003 đại dịch gia cầm H5N1 bùng phát, cơ đồ gây dựng của Ba Huân gần như biến mất. Dịch cúm xuất hiện cùng với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, ngành trứng không ngoại lệ. Người tiêu dùng không sử dụng trứng trong một thời gian dài.
Bà đã tính bỏ nghề, chuyển hướng kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi thấy cái khó, cái khổ của người nông dân, bà đã chấp nhận bán gia sản, vay mượn để mua thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan). Đây được xem là bước ngoặt cho ngành trứng gia cầm truyền thống. Dây chuyền công nghệ trên gồm 2 lần rửa bằng nước sạch; sấy khô; soi loại bỏ trứng hỏng, vỡ; chiếu tia UV diệt khuẩn 99%; rồi phủ lên một lớp dầu bảo vệ trứng. Tiếp theo, trứng được in số hiệu để truy xuất nguồn gốc và đóng hộp. Dây chuyền có công suất 65.000 trứng/giờ.
"Ngày tôi ký hợp đồng với Moba, tôi thấy lá cờ đỏ sao vàng được treo lên trên, trong sự hợp tác giữa Moba Hà Lan và Việt Nam, lòng tôi mừng vô hạn", bà ba Huân bộc bạch khi nhớ về trận "đại cuồng phong", bà nhớ lại.
Năm 2005, nhà máy trứng sạch Ba Huân thành lập ở huyện Bình Chánh. Thời điểm lúc bấy giờ, đây là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sở hữu dây chuyền xử lý trứng sạch khép kín tự động 100%. Thông tin này còn khiến ngành chăn nuôi Đông Nam Á nói chung có thêm điều khởi sắc khi trứng sạch nhà bà Ba Huân còn xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Malaysia, Singapore,...
Từ thành công này, Công ty Ba Huân tiếp tục mở rộng sản xuất đã xây dựng được hệ thống gồm 6 nhà máy lớn. Trong đó có 2 trang trại trải dài từ Bình Dương, Long An, TP.HCM, Hà Nội.
Đằng sau bản hợp đồng khủng
Cuối tháng 2/2018 Vietnam Opportunity Fund, đơn vị chủ quản của VinaCapital từng thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán London về việc hoàn tất thương vụ đầu tư 32,5 triệu USD vào Công ty cổ phần Ba Huân. Tuy nhiên đến tháng 8/2018 mối lương duyên từng nổi đình nổi đám trong giới đầu tư lại đổ vỡ.
Về chuyện này, bà trùm trứng từng chia sẻ, Vina Capital là quỹ lớn, nếu được họ đầu tư là cơ hội để nâng tầm doanh nghiệp. Họ rất chuyên nghiệp và sẽ hỗ trợ rất nhiều cho một doanh nghiệp gia đình như Ba Huân tốt hơn cả về vốn liếng, thị trường, công nghệ, quản trị. Nhưng vào phút chót, khi đối chiếu hợp đồng đầu tư trong bản tiếng anh có nhiều điểm không phù hợp với bản tiếng việt. Đằng sau những con số, khúc mắc lớn nhất là sau 3 năm đầu tư, họ sẽ bán công ty cho đối tác thứ 3. Đây là điều mà bà chưa từng chuẩn bị, và các anh em trong gia đình bà cũng không đồng ý.
Từ chối nâng giá trứng giữa đại dịch
Trung tuần tháng 7/2021, cao điểm dịch Covid-19. Lúc đấy, xuất hiện tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội, giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp sản xuất.
Sở Công Thương TP.HCM đồng ý cho tăng giá một số mặt hàng thực phẩm, các doanh nghiệp cũng đều đề nghị tăng giá bán ra nhưng bà Ba Huân không nhất trí. Doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu Ba Huân tăng giá, sẽ khiến mặt bằng giá trứng tăng cao. Người nghèo mới xài trứng nên phía bà phải giữ giá bằng được và đã có hai lần từ chối tăng giá trứng.
Bà Bà Huân chia sẻ: “Lúc đó, giá trứng bên ngoài được bán với giá cao hơn gấp đôi trứng của Công ty Ba Huân. Nếu tăng giá chỉ vài nghìn đồng/hộp, tôi nghĩ công ty có thể thu thêm vài trăm triệu đồng/ngày, qua mùa dịch cũng có vài chục tỷ đồng. Nhưng tôi nghĩ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra 5-10 tỷ mua vắc-xin tiêm cho người lao động, cho người dân thành phố. Tại sao Ba Huân không thể giúp? Chúng tôi là doanh nghiệp nông nghiệp, số tiền tích lũy không nhiều, nên chúng tôi đóng góp bằng trứng giá bình ổn cho bà con.
Tóm lại, tôi rất hiểu, kinh doanh phải có lời, nhưng không phải nhằm lúc khó khăn để làm giàu. Kinh doanh là việc cả đời, chớ có tát nước theo mưa”.
Bất ngờ chuyển quyền điều hành cho doanh nhân bí ẩn
Năm 2022, với lý do dù có nhiều kinh nghiệm trên thương trường nhưng bản thân đã gần 70 tuổi nên khó đuổi kịp những xu hướng mới, bà Ba Huân đã đưa thêm một CEO trẻ vào tham gia điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Bà bộc bạch, làm công ty gia đình hoài sẽ không phù hợp và khó lớn mạnh với định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai khi các tập đoàn nước ngoài hiện tại đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Chính vì vậy, bà muốn người trẻ thổi vào làn gió mới để tăng tính tương tác và cạnh tranh trên thị trường.
"Tôi vẫn là Chủ tịch, còn anh Hưng làm Tổng Giám đốc. Anh này trẻ, giỏi, từng làm việc ở nước ngoài, đam mê về nông nghiệp, đưa ra định hướng mới rất tốt. Tuổi trẻ bây giờ hay lắm, còn năm nay tôi cũng gần 70 tuổi rồi, đâu thể giữ vai trò tổng giám đốc điều hành hoài. Tôi nhường 25% để anh Hưng có thể linh hoạt, ra quyết định nhanh hơn", bà Huân chia sẻ
Sau những biến cố, Ba Huân đã hoạt động ổn định và quy mô tài sản hiện lên tới 2.500 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu của Ba Huân trong năm 2023 là 2.400 tỷ đồng, năm 2024 là 3.200 tỷ đồng.
Thời kỳ hiện đại hóa ngành nông nghiệp đã tới. Mô hình công ty gia đình không phù hợp cho sau này, thế hệ trẻ phải tiếp quản để đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới.
Hiện, sản phẩm của Ba Huân có mặt tại 4 quốc gia trên thế giới gồm: Mỹ, Singapore, Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc), dư địa xuất khẩu còn lớn. CEO mới là người tu nghiệp ở nước ngoài, do đó, thị trường xuất khẩu sẽ là điểm mạnh cho cậu ấy phát huy năng lực.
Đối với thị trường trong nước, công ty đẩy mạnh việc cung ứng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Hiện Ba Huân đang cùng FPT xây dựng mô hình chuyển đổi số trong vận hành, quản trị từng lớp, đi từ chăn nuôi tới chế biến và mô hình kinh tế tuần hoàn từ nông trại tới bàn ăn.