“Phận” SASCO: Làm tài sản đảm bảo cho công ty của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vay tiền

18-02-2022 11:36|Lam Hồng

Sau khi thâu tóm SASCO, Tập đoàn IPP của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn nhanh chóng biến cổ phần SASCO thành tài sản đảm bảo. Ngoài ra, cổ phần của bà Lê Hồng Thuỷ Tiên tại một công ty phân phối hàng hiệu cũng được mang đi “cầm cố”.

Thâu tóm “gà đẻ trứng vàng” SASCO

Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (Liên Thái Bình Dương – Tập đoàn IPP) gắn liền với tên tuổi tỷ phú hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn. Cách đây nửa thập kỷ, vị tỷ phú này gây chú ý khi Tập đoàn IPP tỏ ý muốn thâu tóm “con gà đẻ trứng vàng” Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Tân Sân Nhất –SASCO.

Cụ thể, năm 2016, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã gửi đề nghị tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng (thời điểm đó) về việc được phép mua thêm cổ phần SASCO sau khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV thoái vốn.

Nếu được tham gia mua thêm cổ phần, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cam kết sẽ không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu là 5 năm. Thời điểm đó, IPP sở hữu 16% vốn SASCO.

1140450.jpg
Tháng 4/2017, SASCO đã bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch HĐQT

Tới đầu năm 2017, thương vụ thâu tóm đã hoàn tất. Hồi tháng 4/2017, SASCO đã bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương.

Ông Hạnh Nguyễn hiện nắm giữ 44% cổ phần SASCO, thông qua một số doanh nghiệp gia đình như: Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).

SASCO được xem như “gà đẻ trứng vàng” vì kinh doanh hiệu quả. Vào năm 2014, đợt IPO của SASCO là một trong những đợt IPO được chú ý nhất năm khi lượng đặt mua lên đến 145 triệu cổ phần, gần gấp 5 lần lượng chào bán. Toàn bộ số cổ phần đấu giá đã được bán hết với giá trúng bình quân 19.330 đồng.

Giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị khoản vay

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cam kết sẽ không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu là 5 năm. Đúng là cổ phần SASCO thuộc sở hữu của hệ sinh thái Jonathan Hạnh Nguyễn không bị bán đi nhưng không ít trong số đó đã trở thành tài sản đảm bảo để IPP vay tiền ngân hàng.

Cụ thể, năm 2016, IPP đã có khoản vay trị giá 900 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Kỳ Đồng. Tài sản đảm bảo của hợp đồng số 01/0816/HDCC-SASCO/IPP-ACFC-VCB là 10.589.500 cổ phiếu SAS do SASCO phát hành, thuộc sở hữu của IPP và 15.780.000 triệu cổ phiếu SAS thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu, một đơn vị trong hệ sinh thái IPP.

Đáng chú ý, giá trị tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị khoản vay.

2-2-1572260239-4377-1572260315.jpg
Sasco từng được ví như gà đẻ trứng vàng.

Khoản vay trị giá 900 tỷ đồng. Tại thời điểm ký kết hợp đồng (ngày 9/9/2016), trên thị trường chứng khoán, giá đóng cửa của SAS là 24.500 đồng/cổ phiếu, giá bình quân là 17.820 đồng/cổ phiếu. Tính theo giá đóng cửa, trị giá của 26.374.500 cổ phiếu SAS được mang đi thế chấp là hơn 646 tỷ đồng. Còn tính theo giá bình quân thì tài sản này đạt 470 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản vay 900 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 9/9/2016, IPP ký hợp đồng vay số 01/0816/HDCC-SASCO/IPP-ACFC-DAFC-VCB với VCB chi nhánh Kỳ Đồng. Giá trị khoản vay là 900 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo là 21.040.000 cổ phiếu SAS thuộc sở hữu của IPP, 3.419.000 cổ phiếu SAS thuộc sở hữu Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu và 6.575.000 cổ phiếu SAS thuộc sở hữu Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh.

Cả 3 lô cổ phiếu SAS này đều thuộc diện “hạn chế chuyển nhượng”. Như vậy, không lâu sau khi gửi đề nghị tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng (thời điểm đó) về việc được phép mua thêm cổ phần SASCO, ông Jonathan Hạnh Nguyễn (thông qua hệ thống công ty) đã mua thành công và thực hiện cam kết không bán trong vòng 5 năm.

Như vậy, tổng lô cổ phiếu SAS được mang đi làm tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay này là hơn 31 triệu, tương đương 760 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa cổ phiếu SAS ngày ký hợp đồng) và tương đương 553 tỷ đồng (tính theo giá bình quân trong phiên 9/9/2016), vẫn thấp hơn giá trị khoản vay 900 tỷ đồng.

Không chỉ sử dụng tài sản của IPP và công ty trong hệ sinh thái làm tài sản đảm bảo, IPP còn “mượn” tài sản của bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, vợ ông Jonathan Hạnh Nguyễn và cũng là Tổng giám đốc IPP để đi vay tiền.

Trong một hợp đồng được ký kết năm 2018, một phần tài sản đảm bảo được xác định là “tất cả phần vốn góp của CÔNG TY TNHH XUẤT NHẬP KHẨU LIÊN THÁI BÌNH DƯƠNG và Bà LÊ HỒNG THỦY TIÊN (“Bên Bảo Lãnh”) trong Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh (“DAT”) do Bên Bảo Lãnh sở hữu, chiếm 100% Vốn Điều Lệ của DAT”.

Lợi nhuận SASCO giảm 97,7%

SASCO là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong quý 4/2021, SASCO chứng kiến cả lợi nhuận và doanh thu đều giảm rất mạnh.

capture.png

Cụ thể, trong quý 4/2021, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SASCO đạt 62 tỷ đồng, giảm 167 tỷ đồng, tương đương 72,9% so với quý 4/2020; luỹ kế cả năm giảm 598 tỷ đồng, tương đương 65% xuống 321 tỷ đồng.

Công ty đã rất nỗ lực cắt giảm các loại chi phí. Chi phí bán hàng giảm từ 290 tỷ đồng xuống 115 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 188 tỷ đồng xuống 93 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý 4/2021 giảm từ 55 tỷ đồng xuống 3 tỷ đồng; luỹ kế cả năm đạt 3,3 tỷ đồng, giảm 145,7 tỷ đồng, tương đương 97,7% so với năm 2020.

SASCO đã có giải trình cho sự lao dốc này. Đó là “do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp đã tác động đến tâm lý tiêu dùng, hạn chế sức mua của khách hàng tại thị trường nội địa Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, các chuyến bay thương mại quốc tế đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất gần như ngưng hoạt động đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Vợ con vay trăm tỷ của IPP

Trong khi IPP phải thế chấp tài sản để vay ngân hàng và trả lãi suất thì Tập đoàn lại cho vợ con ông Jonathan Hạnh Nguyễn vay hàng trăm tỷ đồng.

tin-chung-khoan-ngay-20-11-me-chong-ha-tang-do-them-tien-vao-dich-vu-hang-khong.jpg
Vợ chồng ông ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thuỷ Tiên.

Theo Báo Dân Việt, tại thời điểm 31/12/2020, các khoản phải thu ngắn hạn gần 2.491 tỷ đồng, tăng tới 40% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong số này, các khoản phải thu liên quan đến người nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn lên đến 479 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu cả năm 2020 của IPPG.

Cụ thể, IPPG có khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 345 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn; 102 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn - chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà) và 32 tỷ đồng với ông Nguyễn Phi Long (Phillip Nguyễn).

Chưa kể, IPPG còn có khoản phải thu lãi cho vay gần 27 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, hơn 10 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và gần 455 triệu đồng với ông Nguyễn Phi Long. Ngoài ra, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên còn nhận tạm ứng hơn 264 tỷ đồng từ IPPG.

Kết thúc năm 2020, IPPg có gần 1.546 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 232 tỷ đồng so với đầu năm.

Sasco của 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn báo doanh thu tăng 20%, mỗi tháng lãi 15 tỷ

Sasco đề cử phu nhân tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vào HĐQT, dự chi cổ tức 18%

Công ty của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn báo lãi quý IV/2023 giảm 40%

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phan-sasco-lam-tai-san-dam-bao-cho-cong-ty-cua-ty-phu-johnathan-hanh-nguyen-vay-tien-117637.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
“Phận” SASCO: Làm tài sản đảm bảo cho công ty của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn vay tiền
POWERED BY ONECMS & INTECH