Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, ông Ngô Tuấn Anh cho biết, phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên mạng là một nội dung trọng tâm của Câu lạc bộ thời gian tới.
Nhiều mối nguy hại ‘rình rập’ trẻ em trên mạng
Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức hội thảo chuyên đề ‘Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng’. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin năm 2023 diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Vũ Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA cho hay, những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và viễn thông đã tác động đến mọi lĩnh vực và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người, trong đó có trẻ em.
Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh đó, trẻ em cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc tiếp cận với các thông tin độc hại và lừa đảo trên môi trường mạng.
Vì thế, đại diện VNISA cho rằng, cần có các giải pháp ngăn chặn, làm trong sạch môi trường mạng để trẻ em có thể sử dụng Internet an toàn, lành mạnh và hiệu quả.
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia cũng thống nhất rằng, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng.
Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định của VNCERT/CC, 5 mối nguy hại từ Internet đang tác động đến trẻ em gồm có: Tiếp cận thông tin không phù hợp; bị phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, cá nhân; bị nghiện game, mạng xã hội, Internet; bị bắt nạt trực tuyến; và bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia vào các hoạt động phi pháp.
Dẫn số liệu thống kê của Unicef, bà Đinh Thị Như Hoa thông tin: 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng. Các em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng và mạng xã hội.
“Việc nhiều người chia sẻ thông tin, hình ảnh về trẻ em một cách vô tư, không kiểm soát trên mạng xã hội, forum, diễn dàn … cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ”, bà Đinh Thị Như Hoa lưu ý.
Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam chỉ ra rằng, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội.
Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em Việt Nam đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.
Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập trẻ em. Trong khi đó, đa số trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.
Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước trong phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.
VNISA sẽ xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá các sản phẩm bảo vệ trẻ em
Cập nhật thông tin về nỗ lực của VNISA trong công tác bảo vệ trẻ em, ông Đặng Vũ Sơn cho biết, bên cạnh việc tham gia xây dựng chính sách, thời gian qua, Hiệp hội cũng đã chủ trì nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.
Một hoạt động thể hiện cam kết của VNISA là việc thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng hồi tháng 8/2023.
Cùng với việc khẳng định quan điểm cần có sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng, ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng cũng chia sẻ các hoạt động của tổ chức này trong thời gian tới để góp phần phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên mạng.
Cụ thể, thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ hướng tới xây dựng và vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Hiện nay, các thông tin xấu độc xuất hiện ở nhiều nguồn khác nhau.
Nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ bảo vệ trẻ em đã được đưa ra, song những giải pháp hoạt động độc lập.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ cùng các cơ quan, tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ giữa các nguồn dữ liệu có sẵn, từ đó hỗ trợ tốt hơn công tác bảo vệ trẻ em trên mạng, trong đó có nội dung phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trực tuyến trẻ em”, ông Ngô Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, tới đây Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng sẽ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm bảo vệ trẻ em để đề xuất VNISA ban hành và tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận cho các đơn vị.
Qua đó, hỗ trợ các phụ huynh, thầy cô giáo trong việc lựa chọn được các giải pháp công nghệ bảo vệ trẻ em ở gia đình, nhà trường.
Hoạt động quan trọng khác cũng sẽ được Câu lạc bộ tập trung là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo nói riêng và bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng nói chung.
“Để triển khai các công việc nêu trên, một đơn vị, tổ chức không thể làm được. Do đó, rất cần có sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp”, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh.
Mối nguy lớn từ việc phụ huynh chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ trên mạng
Hình thành hệ thống kênh truyền thông về bảo vệ trẻ em trên mạng