CTCP Vinaconex 25 tại Quảng Nam - Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thiên Ân - đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết vướng mắc khi thực hiện dự án.
Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Thiên Ân được triển khai tại Thị xã Điện Bàn từ năm 2016. Trong thời gian 7 năm qua, địa phương đã phê duyệt 7 đợt phương án bồi thường, hỗ trợ, giao đất cho chủ đầu tư dự án với diện tích 12,7/19,12 ha, đạt hơn 65%.
“Hiện nay chúng tôi đã thi công cơ bản phần hạ tầng kỹ thuật, đã có điện chiếu sáng, có nước sinh hoạt. Đó là toàn bộ những nỗ lực của chúng tôi cùng các cơ quan chức năng đã hỗ trợ, phối hợp giải quyết trong tình hình chung có quá nhiều vướng mắc diễn ra (ngoài việc người dân không phối hợp thực hiện, đòi hỏi quá cao,...)”, ông Nguyễn Xuân Nhàn, Giám đốc Chi nhánh Bất động sản Công ty Cổ phần Vinaconex 25 cho hay.
Báo cáo về những khó khăn, doanh nghiệp này cho hay tính pháp lý và thời gian triển khai thực hiện dự án liên tục bị gián đoạn. Trong 7 năm triển khai dự án, thời gian thực hiện dự án cộng dồn chưa đến 4 năm do gián đoạn về tính pháp lý và dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, từ năm 2018 – 2019, dự án không được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất do liên quan đến việc rà soát quy hoạch chung Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc làm cho dự án phải tạm dừng.
Đến năm 2020 – 2021, tuy kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, nhưng gặp dịch Covid-19 nên việc thực hiện công tác thu hồi đất tiếp tục bị gián đoạn do cách ly, giãn cách xã hội. Từ năm 2022 đến tháng 02/2023, sau khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, UBND tỉnh chậm ban hành các quy định về đơn giá bồi thường, hỗ trợ cũng làm cho dự án tâm dừng trong thời gian dài. Đến cuối tháng 02/2023, dự án mới được UBND tỉnh cho gia hạn đến tháng 12/2024 nhưng đến nay chưa xong kế hoạch sử dụng đất năm 2023.
Ngoài ra,, trên phạm vi đã được UBND tỉnh Quảng Nam giao đất, UBND thị xã Điện Bàn cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đã thi công hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện nghiệm thu. Tuy nhiên, hiện còn vướng mắc tại vị trí đường vào dự án do hộ dân lấn chiếm, không bàn giao phần đất bờ mương thủy lợi để chủ đầu tư thi công cống hộp thoát nước đấu nối đường ĐT607. Do đó, việc nghiệm thu cấp số cho các hộ dân chưa thực hiện được.
Bên cạnh các vướng mắc về pháp lý dự án thì công tác giải quyết thủ tục đất đai để giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, công tác thẩm tra nguồn gốc đất một số hộ giải quyết từ năm 2018 đến nay vẫn chưa có kết quả, chưa thực hiện được công tác thu hồi đất.
Việc công nhận đất ở cho một số hộ dân đến nay vẫn đang vướng và dừng lại, nhiều hộ này do bức xúc về chỗ ở đã làm nhà khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó là một số trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại đất thổ cư, được xét nguồn gốc đất và thẩm tra nguồn gốc đất đảm bảo theo quy định nhưng việc công nhận đất ở lại chưa được thực hiện.
“Những vướng mắc nêu trên, ngoài ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống một số hộ dân thuộc diện giải tỏa tại dự án. Các hộ dân này đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà cửa xuống cấp nhưng không được phép xây dựng, có nền nhà thấp hơn dự án nên thường xuyên bị ngập lụt. Trong công tác giải phóng mặt bằng, các hộ dân này luôn có sự phối hợp tốt nhưng đến nay công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn chưa thực hiện được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân trong những năm qua”, doanh nghiệp nêu vấn đề.
Trước thực trạng trên, doanh nghiệp này đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện cho dự án được nghiệm thu trước phần hạ lầng kỹ thuật tại các block bố trí tái định cư và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện xây dựng nhà ở đối với các hộ dân đã có phương án tái định cư.
Đối với các hộ chưa có phương án tái định cư, về phía chủ đầu tư sẽ tạo điều kiện bằng cách sử dụng quỹ đất thương mại trong dự án đề bố trí tái định cư cho người dân. Về thủ tục pháp lý, đề xuất được nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đối với các block thương mại dùng để tái định cư.
Các vấn đề về đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, chủ đầu tư cam kết thực hiện, bảo đảm đủ điều kiện nghiệm thu. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng thực hiện quy trình thủ tục nghiệm thu, doanh nghiệp đề nghị UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo Phòng, ban chuyên môn xem xét duyệt hồ sơ cấp phép xây dựng và tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà ở.
Trước ý kiến của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND thị xã Điện Bàn xem xét các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án để giải quyết các nội dung, nhiệm vụ theo thẩm quyền. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo các Sở, ngành liên quan để hướng dẫn giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định.
Phó Giáo sư quê Quảng Nam sở hữu khối tài sản 13.400 tỷ đồng, điều hành 'đế chế' hơn 32.000 nhân sự
Tỉnh sở hữu khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam cần hơn 1.300 tỷ để làm hàng loạt dự án nhà ở