Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng kinh tế phát triển

04-07-2022 17:04|Minh Chiến

Theo công bố quy hoạch, đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lớn hơn 2-2,5 lần so với hiện nay và đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Công bố quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giải pháp và tham luận tại hội nghị sẽ giúp cho việc tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 13–NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt.

“Bên cạnh đó, hội nghị cũng là cầu nối hiệu quả tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác và đồng hành của các bạn bè, đối tác quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để góp phần thực hiện mục tiêu đưa Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước. Đây sẽ là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Kế hoạch cụ thể đến năm 2030, quy mô nền kinh tế vùng sẽ lớn hơn 2-2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội sẽ được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

Về tiềm năng của khu vực, ông Phương cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2 và chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước.

Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển với những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã được biết đến là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước.

Thêm vào đó, đây là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là Khu Ramsar của thế giới.

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, năng lượng thủy triều…

Hơn thế nữa, Thứ trưởng chia sẻ Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, hào hùng và rất vẻ vang. Đây cũng là địa bàn sinh sống, gắn bó đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm... với những nét văn hóa đặc thù, nền văn minh sông nước độc đáo.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 13–NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục mở ra hình dung sâu sắc về diện mạo vùng kinh tế xã hội của vùng trong tương lai theo hướng phát triển hài hòa, thuận thiên, “toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước.”

Triển khai quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Tại TP Cần Thơ, trên cơ sở Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Cần Thơ đã ban hành chỉ thị và kế hoạch triển khai nhằm cụ thể các yêu cầu, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho từng cơ quan đơn vị liên quan.

Theo dự thảo Quy hoạch TP. Cần Thơ, đến năm 2030, thành phố trở thành "trái tim" của Đồng bằng sông Cửu Long, để từ đó chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao và trở thành Thành phố xanh, đáng sống nhất Việt Nam.

Có 6 ngành ưu tiên tiêu biểu là kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, dược phẩm, hậu cần, du lịch và bán lẻ đồng thời xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững, hệ sinh thái các ngành hỗ trợ lẫn nhau, được tích hợp với định hướng môi trường và xã hội; có vai trò lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tầm nhìn tới năm 2050, Cần Thơ tiếp tục phát triển đồng đều, định hướng trở thành thành phố thông minh, đáng sống của Việt Nam.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đã có quy hoạch vùng là điều đáng mừng nhưng khó khăn nhất vẫn là thực hiện. Trong đó, làm thế nào để tổ chức liên kết vùng, đưa hết thành phần kinh tế, các đối tác trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển tại địa bàn này.

"Với quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long, chắc chắn đất nước ta trong giai đoạn tới sẽ phát triển rực rỡ, trong đó Đồng bằng Sông Cửu Long là địa bàn tiên phong không chỉ về sản xuất nông nghiệp mà còn công nghiệp chế biến, kinh tế biển và phát triển con người", TS Đặng Kim Sơn đánh giá.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quy-hoach-dong-bang-song-cuu-long-thanh-vung-kinh-te-phat-trien-138731.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng kinh tế phát triển
POWERED BY ONECMS & INTECH