Giới chuyên môn cho rằng ngân hàng vẫn là nhóm được đánh giá còn nhiều triển vọng nhờ các đợt tăng vốn. Bên cạnh đó, theo Công ty Chứng khoán BSC, một số ngân hàng có thể lên kế hoạch bán vốn cho nước ngoài trong thời gian tới như VCB, BID, HDB, VPB,…
NHNN cho biết, đến nay phần lớn TCTD tuân thủ yêu cầu về vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, trong đó nhiều ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và một số nhà băng có những tính toán để chuẩn bị cho việc tiệm cận với Basel III.
Ví dụ: Sau khi áp dụng Basel II, VIB tiếp tục là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III vào thử nghiệm tại Việt Nam. Còn theo công bố của MSB, nhà băng này đã ứng dụng Basel III vào cả quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
Theo các chuyên gia, nếu mục tiêu chủ yếu của Basel I, II là nâng cao chất lượng, sự ổn định hệ thống của ngân hàng và đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, Basel III hướng tới khắc phục những hạn chế về quy định vốn, nâng cao, siết chặt quản trị rủi ro.
Theo đó, tỷ lệ của loại vốn có chất lượng cao được tăng lên: Tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% trong Basel II lên 6% trong Basel III, đồng thời tỷ lệ vốn của cổ đông thường được tăng từ 2% lên 4%. Những tài sản có vấn đề rủi ro được loại trừ khỏi vốn tự có như khoản đầu tư vượt quá giới hạn 15% vào các tổ chức tài chính.
Ngoài ra, Basel III còn đưa ra tiêu chuẩn ngân hàng nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao và có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu chi trả trong những trường hợp khó khăn.
“Nhờ đó, các nhà băng có thể cải thiện khả năng ứng phó, tự giải thoát trước khủng hoảng tài chính mà ít cần nhờ đến gói cứu trợ từ Chính phủ”, một chuyên gia nhận định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Hiệp ước Basel III nâng cao tính bền vững và nhạy bén của các ngân hàng trong việc đối phó với rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động, bổ sung tỷ trọng vốn rủi ro gia quyền vào tỷ trọng đòn bẩy cuối cùng và rà soát, nâng cao hiệu quả giao dịch ngân hàng.
Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, triển khai Basel III là mục tiêu thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam, nhưng đây là xu hướng chung phải hướng tới.
Theo đánh giá của chuyên gia này, Basel III sẽ làm thay đổi chiến lược kinh doanh của ngân hàng do liên quan đến cấu trúc lại bảng cân đối, cấu trúc thanh khoản hay nắm giữ tài sản thanh khoản. Các nhà băng phải cơ cấu lại nguồn vốn vay ở những lĩnh vực có tính rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán... nhằm vừa đảm bảo quy định an toàn, vừa đảm bảo lợi nhuận biên tăng như kỳ vọng, trong khi vốn cũng cần tăng để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao hơn.
Khi được hỏi, liệu cổ phiếu nhóm ngân hàng tiếp tục là cổ phiếu vua, tiếp tục dẫn dắt thị trường không, các chuyên gia cho rằng điều đó là khó xảy ra. Bởi nhóm này đã dẫn dắt trong một chu kỳ quá dài rồi. Chỉ một số ít cổ phiếu còn dư địa tăng theo chất lượng thực sự của ngân hàng, còn lại sóng sẽ đi xuống.
Hiểu đơn giản, khi sóng ngành không còn đủ sức nâng đỡ từng cổ phiếu thì những câu chuyện riêng, những yếu tố nội tại sẽ là động lực để mỗi cổ phiếu ngân hàng tự bứt phá.
Trong đó câu chuyện riêng có thể kể đến như CTG chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong quý 3-4/2021. Tương tự, BAB và OCB cũng được Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức lần lượt lên mức 7.531 tỷ đồng và 13.6898 tỷ đồng.
Còn tại ACB, ngân hàng chốt danh sách cổ đông tại ngày 11/6/2021 để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% để tăng vốn điều lệ. Số cổ phiếu phát hành dự kiến là hơn 540 tỷ đồng, tức tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.400 tỷ lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Một ví dụ khác là trường hợp cổ phiếu LPB. Đến ngày bắt đầu thực hiện giao dịch của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Phó Chủ tịch LienVietPostBank cùng em trai là ông Nguyễn Xuân Thuỷ mua vào lượng cổ phiếu LPB lần lượt 32,54 triệu đơn vị và 1 triệu đơn vị thì LPB lập tức tăng kịch bên độ.
Với SHB còn đặc biệt hơn khi cổ phiếu này vừa được thêm vào rổ danh mục của chỉ số MSCI Frontier Market Index (chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF). Hiện tại, SHB là ngân hàng vốn hóa lớn duy nhất còn trống room ngoại.
Ngoài ra, SHB cho biết ngân hàng đã lựa chọn được 2 -3 đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn tại SHB FC. SHB cũng đặt mục tiêu chuyển nhượng vốn tại SHB Lào và SHB Campuchia cho nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, động lực để thị giá cổ phiếu SHB tăng còn có thể kể đến như việc được chấp thuận chuyển sang giao dịch tại sàn HOSE; tăng vốn điều lệ qua chia cổ tức năm 2020 và chào bán cho cổ đông hiện hữu; chất lượng tín dụng tăng tốt; sắp tất toán trước hạn nợ tại VAMC…
Hay như ở góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu SHB vẫn đang ở xu hướng tăng giá và theo lý thuyết sóng Elliot thì đang nằm ở sóng III trên đồ thị tuần. Có thể hiện tại SHB đang bước vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (sóng IV) trước khi bước vào nhịp tăng giá tiếp theo (sóng V) trung hạn hướng tới vùng giá mục tiêu khoảng 36.500 đồng/cổ phiếu.