Thách thức lớn nhất của Việt Nam trong thời ‘Trump 2.0’ là thuế quan
Đưa ra dự báo về tình hình nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Trump, ông Suan Teck Kin, Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), thời kỳ “Trump 2.0” sẽ là một giai đoạn quan trọng, khi nền kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể.
Thách thức lớn nhất là vấn đề thuế quan
Trước tiên, về vấn đề thách thức đối với Việt Nam khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, ông Suan Teck Kin cho biết, thách thức lớn nhất sẽ là thuế quan, bên cạnh đó Việt Nam còn phải chịu thách thức đối với thị trường tài chính khi USD biến động và thách thức về chuỗi cung ứng.
Với thách thức về thuế quan, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao thứ hai trong ASEAN (sau Singapore). Trong năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, phần lớn nhờ vào xuất khẩu và thương mại quốc tế. Vì vậy, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn do chính sách thuế quan của ông Trump.
Thách thức lớn nhất là vấn đề thuế quan. |
Việc áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng sang ASEAN, bao gồm Việt Nam, để gia công, lắp ráp hoặc thay đổi nhãn mác trước khi xuất khẩu vào Mỹ.
"Điều này có thể khiến Mỹ siết chặt kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ ASEAN nhằm ngăn chặn gian lận thương mại. Kết quả là hàng hóa từ ASEAN cũng như Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh", ông Suan Teck Kin cảnh báo.
Không những thế, hàng hóa Việt Nam chiếm khoảng 3,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Vì vậy, nếu các chính sách thuế quan mới được áp dụng, Việt Nam và ASEAN có thể đối mặt với rủi ro gia tăng thâm hụt thương mại.
Thách thức thứ hai là biến động giá trị của đồng USD. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, máy móc và thiết bị từ nước ngoài. Do đó, khi đồng USD tăng giá, chi phí nhập khẩu sẽ tăng, kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những biện pháp điều hành phù hợp để giảm thiểu áp lực từ biến động tỷ giá, do đó rủi ro từ thách thức này sẽ được kiểm soát ở mức ổn định, ông Suan Teck Kin đánh giá.
Thách thức về chuỗi cung ứng, ASEAN hiện là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, trong đó Mỹ là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, chính sách thuế quan cứng rắn hơn từ chính quyền Trump có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, gây ảnh hưởng đến ASEAN.
Hơn nữa, ASEAN có thể trở thành mục tiêu của Mỹ trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước ASEAN gia tăng, đặc biệt là với Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận con số ấn tượng với 38,22 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 25,35 tỷ USD vốn FDI thực hiện, tăng 9,4% so với năm 2023 và là mức cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2024. Mức tăng trưởng này không chỉ cho thấy sự ổn định của môi trường đầu tư tại Việt Nam mà còn chứng tỏ khả năng thu hút các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đối mặt với các khó khăn kinh tế.
“Trong bối cảnh Trump 2.0, Việt Nam cần chủ động xây dựng chính sách phù hợp và chiến lược thu hút đầu tư FDI một cách thông minh để duy trì đà tăng trưởng và ổn định kinh tế”, ông Suan Teck Kin gợi ý.
Vẫn có những cơ hội với Việt Nam
Tuy nhiên, bất kỳ bối cảnh nào cũng có những cơ hội và thách thức nhất định. Về cơ hội cho Việt Nam trong thời gian này, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho hay, trước mắt Việt Nam vẫn được đánh giá là sẽ hưởng lợi khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục duy trì. Không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trong khu vực ASEAN cũng đều được hưởng lợi từ việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc do áp lực với Mỹ.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho hay, trước mắt Việt Nam vẫn được đánh giá là sẽ hưởng lợi khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục duy trì. |
Thực tế, theo quan điểm của các chuyên gia, Việt Nam cũng có những khó khăn về thị trường nếu Mỹ đưa Việt Nam vào "tầm ngắm". Vì vậy, nếu có các diễn biến mới về việc Mỹ áp thuế quan với Việt Nam thì những ngành hàng bị đánh thuế sẽ thiệt hại.
"Rủi ro hiện có nhưng chưa đến mức quá hiện hữu, kể cả trong trường hợp Mỹ áp thuế quan với Việt Nam thì quy mô cũng chỉ ảnh hưởng đến một số ngành hàng chứ không đến mức ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, cơ hội vẫn là tích cực với Việt Nam", chuyên gia đánh giá.
Còn theo ông Suan Teck Kin, có ba cơ hội cho Việt Nam trong thời kỳ Trump 2.0, trong đó Việt Nam có cơ hội gia tăng đa dạng hóa thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể.
Dù chính sách mới của ông Trump có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam chủ động mở rộng và tìm kiếm thêm cơ hội ở các thị trường khác.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào một thị trường cụ thể. Không chỉ tập trung vào thị trường, Việt Nam còn cần mở rộng danh mục các mặt hàng xuất khẩu.
Máy tính và linh kiện điện tử là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay nhưng cũng cần thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng khác để giảm thiểu rủi ro, ông Suan Teck Kin cho biết và đề xuất Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu du lịch và giáo dục, những lĩnh vực tiềm năng trong tương lai.
Cơ hội thứ hai đến từ việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước. Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng như sân bay, cầu, cảng biển không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế trong những năm tới.
Tiếp đến là cơ hội liên quan đến hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dư địa để thúc đẩy đầu tư công khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Với dư địa này, chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP ấn tượng đạt 7,09% trong năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh bền bỉ trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động. Đây chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực của chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và đẩy mạnh đầu tư để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, ông nhấn mạnh.
>>Con trai thứ 2 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dẫn dắt FGF lấn sân kinh doanh mảng xe điện VinFast cũ
Doanh thu ngành xuất bản đạt kỷ lục 8.700 tỷ đồng: Sách nói và điện tử dẫn đầu tăng trưởng
Những CTCK đầu tiên hé lộ KQKD năm 2024, mức tăng trưởng hơn 1.100% xuất hiện