Với một ngành có nhiều yếu tố đặc thù thì việc tham vấn chính sách từ nhà đầu tư có vai trò quan trọng.
Ông Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết: với tốc độ tăng trưởng cao - đạt 10,6%, ngành dược Việt Nam hiện có 228 nhà máy đạt GMP. Trong đó có 7 cơ sở sản xuất vắc xin, thuốc sinh học; 51 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và 18 nhà máy đạt GMP EU và tương đương. Trong giai đoạn 2001-2011, thuốc trong nước chỉ chiếm 17% nhưng đến nay chiếm 46% tổng giá trị tiền thuốc và chiếm 70% số lượng thuốc sử dụng.
Tuy nhiên, con số trên mới chỉ tương đương khoảng 0,75 (46:70) trong khi thuốc nhập tuy số lượng ít hơn (chiếm 30%) nhưng đạt giá trị cao hơn nhiều lần - khoảng 1,8 (54:30), gấp 2,5 lần. Theo ông Trịnh Văn Lẩu, các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu sản xuất các thuốc generic giá trị thấp. Để phát triển bền vững, ngành dược cần có cuộc cách mạng về đổi mới và lấy khoa học làm điểm tựa trên cơ sở khuyến khích nguồn vốn đầu trong nước và ưu tiên nguồn vốn FDI từ bên ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà đầu tư và các bên liên quan gặp khó trong mở rộng hoạt động và đầu tư bởi rào cản về tầm nhìn chiến lược và chính sách chưa đủ hấp dẫn. Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược, đây là những thách thức chung mà nhiều nước trong quá trình phát triển đã gặp phải.
Từ góc nhìn thể chế, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: tiếp cận chính sách thể chế, cần xác định xem phát triển đến mức độ nào. Bên cạnh thể chế - tiếp cận theo ngành cũng cần phối hợp chính sách, cách tiếp cận tổng thể hơn cho mỗi ngành.
Theo Nghị quyết 19, Bộ Công Thương đang nỗ lực xây dựng Luật Phát triển công nghiệp (mũi nhọn, trọng điểm), khác với các chính sách ngành thông thường. Có thể thấy đây là liều lượng chính sách mạnh mẽ, kết hợp với Luật Dược sẽ tạo nên hệ thống chính sách khá đầy đủ. Vậy chúng ta cần hành động sớm, sự phối hợp 2 luật rất quan trọng, cần soạn thảo song song, kết hợp, bổ trợ lẫn nhau.
Trong thu hút đầu tư, trước nay chúng ta hay nhắc chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi tài chính. Song, theo ông Phan Đức Hiếu, nhà đầu tư cần một số nội dung khác cũng rất quan trọng. Đầu tư dược chi phí rất lớn, tài chính chỉ là vấn đề. Nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn, có thể tiên liệu trước, ổn định, yên tâm đầu tư, tránh thay đổi.
Do đó, khi tham vấn chính sách nên lưu ý khía cạnh này, cung cấp chính sách nhà đầu tư muốn chứ không phải chỉ chúng ta muốn. Ngoài ra, cạnh tranh quốc tế rất lớn nên chính sách của Việt Nam cần cạnh tranh và lợi thế hơn, liều lượng và cách nghĩ phải thật sự khác mới thúc đẩy phát triển.
Yêu cầu khác cũng rất cần thiết là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Một mặt chúng ta tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần thúc đẩy sự tham gia gắn kết của các doanh nghiệp trong nước để tạo sự lan toả của hợp tác đầu tư.
Có như vậy chúng ta mới thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, nhanh chóng nắm bắt và tiếp nhận chuyển giao công nghệ công nghệ sản xuất thuốc, nhất là các sản phẩm như vắc xin, thuốc sinh học phát minh còn bản quyền và thuốc trong nước chưa sản xuất được...