Trong 6 tháng đầu năm 2021, TP Hồ Chí Minh ghi nhận tăng 161,5% về số lượng nhà ở; trong đó phân khúc cao cấp tăng 122,57%, trung cấp tăng 294,85% nhưng lại không có dự án căn hộ bình dân.
Trong khi thừa thãi căn hộ hạng sang, chủ yếu các nhà đầu tư thứ cấp mua đi bán lại kiếm lời, thì phân khúc căn hộ bình dân, nhà ở xã hội có nhu cầu mua để ở thực lại đang vô cùng khan hiếm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bức tranh này tiếp tục lặp lại, thậm chí ngày càng "lệch pha" nhiều hơn trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng năm 2021, thành phố đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 14 dự án với gần 12.000 căn; trong đó phân khúc cao cấp chiếm hơn 7.000 căn (58,92%), còn lại là phân khúc trung cấp. Tổng giá trị cần huy động vốn gần 900.000 tỷ đồng.
Như vậy so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giữ nguyên số dự án đủ điều kiện huy động vốn (14 dự án) nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021 đã ghi nhận tăng 161,5% về số lượng nhà ở; trong đó phân khúc cao cấp tăng 122,57%, trung cấp tăng 294,85% nhưng lại không có dự án căn hộ bình dân.
Đánh giá về sự lệch pha cung cầu này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong các năm gần đây thị trường bất động sản thành phố đã có biểu hiện thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nhưng lại rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Đáng lưu ý, năm 2020, căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh chỉ chiếm 1% tổng số sản phẩm nhà ở (16.895 căn được xác định đủ điều kiện huy động vốn).
Riêng quý 1/2021, tỷ lệ nhà ở cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm đến 59% (trong đó tỷ lệ nhà ở hạng sang, siêu sang chiếm khoảng 39%; tỷ lệ nhà ở cao cấp chiếm khoảng 20%), tỷ lệ nhà ở trung cấp chiếm khoảng 41% và không còn căn hộ giá bình dân trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo đại diện HoREA, tại Thành phố Hồ Chí Minh giá nhà từ 35 triệu đồng/m2 trở lên được xếp vào loại nhà cao cấp, chứ không phải từ 40 triệu đồng/m2 trở lên như cách thống kê của Sở Xây dựng thành phố.
Liên quan đến vấn đề giá nhà ở, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 1/2021 căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) tại các đô thị lớn rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm.
Các dự án có sản phẩm này trước đây có mức giá khoảng trên dưới 20 triệu/m2 nhưng nay đã tăng lên khoảng trên dưới 25 triệu/m2.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá căn hộ cao cấp ở những dự án sở hữu vị trí "vàng" có mức giá trên 100 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án đạt mức giá xấp xỉ 300 triệu đồng/m2.
Giá đất nền tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng liên tục. Riêng giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay.
Cụ thể trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu/m2 còn tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên tới 70-90 triệu đồng/m2, thậm chí 100 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức do thiếu quỹ đất, nguồn vốn hỗ trợ… dẫn đến nguồn cung nhà ở xã hội thiếu nhiều so với nhu cầu của người dân.
Để tháo gỡ các tồn tại, định hướng phát triển thị trường nhà ở bền vững, vừa qua Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án “Xây dựng chương trình nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030.”
Đề án này cũng nhìn nhận, quá trình phát triển nhà ở tại thành phố chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Hiện nay các dự án nhà ở xã hội đang triển khai chỉ có khả năng cung ứng khoảng 2,4 triệu m2 sản với khoảng 27.574 căn nhà ở xã hội.
Định hướng giai đoạn 2021-2030 dự kiến thành phố sẽ phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; trong đó giai đoạn 2021-2025 phát triển khoảng 1,8 triệu m2 sàn.
Để đạt được mục tiêu này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dung vốn ngoài ngấn sách.
Rà soát bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10ha để triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội.
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý để đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước cũng như tạo quỹ đất sạch dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt các tuyến metro, tuyến vành đai để làm dự án nhà ở xã hội…/.