Những người giàu và siêu giàu luôn để tài sản ở nhiều nơi như vàng, bất động sản hay cổ phiếu… để tận dụng tối đa khi cơ hội đến tại mảng nào đó. Ngay tại thời điểm này, những người giàu nhất đang chuyển một phần tiền từ bất động sản qua chứng khoán.
Họ là những người giàu có nên chắc chắn rất giỏi, thành ra họ luôn có khả năng đánh hơi thấy cơ hội, thấy mùi của tiền, một khi đã xuống tiền để mua cổ phiếu nghĩa là cơ hội cực lớn đang xuất hiện.
Khi tất cả những người giàu đang tập trung vào cổ phiếu, chẳng có lý do gì chúng ta lại đứng ngoài cuộc chơi, theo dấu chân người khổng lồ chẳng bao giờ sai. Cơ hội vài chục năm mới xuất hiện một lần, đời người chỉ có thể trải qua 1,2 lần mà thôi, không thể không tận dụng để tạo ra bước đột phá nhảy vọt. Gia tăng tài sản gấp 10, thậm chí vài chục lần chỉ trong vài năm ngắn ngủi sắp tới.
Trong 5 năm tới, không một kênh đầu tư nào, không một loại tài sản nào có khả năng sinh lời cao hơn cổ phiếu. Gửi tiết kiệm lãi suất quá thấp chỉ 6% mỗi năm, và cũng không ai đi mua vàng tích trữ. Duy nhất bất động sản còn được chú ý nhưng với số tiền lớn (vài tỷ hoặc vài chục tỷ) chỉ có thể mang lại bình quân 20% mỗi năm, nghĩa là gấp đôi sau 5 năm, rất khó để kỳ vọng lợi nhuận cao hơn.
Chứng khoán là gì? Là đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản, là sản phẩm của các nước phát triển và đã có hàng trăm năm, chỉ số chứng khoán Dow Jones nổi tiếng nhất thế giới có từ năm 1896. Cổ phiếu gắn liền với nền kinh tế thị trường, trong khi đất nước ta mới được Mỹ dỡ bỏ phong tỏa từ 1994, thành ra thị trường cổ phiếu Việt Nam tương đối non trẻ, tròn 20 năm kể từ ngày đầu thành lập thị trường năm 2000.
50% người dân Mỹ đầu tư chứng khoán (tự đầu tư hoặc qua quỹ chuyên nghiệp). Tỉ lệ dân số đầu tư cổ phiếu tại VN là 3% theo thống kê nhưng thực tế chỉ 1% mà thôi và còn rất nhiều tiềm năng mở rộng để đạt tỉ lệ 5% (thêm người chơi bỏ tiền vào chứng khoán sẽ tạo đà tăng mạnh cho thị trường). Trung Quốc, với tỉ lệ 7% dân số đầu tư chứng khoán (100 triệu người) đang khuấy đảo thị trường nội địa và thị trường Hồng Kông với những vụ nổ Big Bang ngoài sức tưởng tượng.
Điển hình nhất là cổ phiếu Tencent niêm yết trên sàn Hồng Kông năm 2004 có vốn hoá 1 tỷ USD, và đến nay đã chạm mức 1.000 tỷ USD, tăng 1.000 lần trong 15 năm, xin nhắc lại chính xác là MỘT NGÀN LẦN. Ngoài ra, Alibaba của huyền thoại Jack Ma cũng không kém cạnh khi vốn hoá tăng 500 lần chỉ trong 20 năm.
Quốc tửu của Trung Quốc, rượu Mao Đài với giá 5 tệ mỗi cổ phiếu vào năm 2003, giờ có giá 2.600 tệ, tăng hơn 500 lần trong 17 năm. Và còn rất nhiều trường hợp khác tăng giá hàng trăm lần chỉ trong 10 năm ngắn ngủi. Xin lưu ý, đây là những cổ phiếu lớn nhất trên sàn, vốn hoá 500 tỷ USD (cả thị trường cổ phiếu Việt Nam quy mô chỉ 240 tỷ USD mà thôi), không phải hiện tượng đầu cơ làm giá những cổ phiếu nhỏ mang tính đánh bạc mà chúng ta thường thấy.
Địa lý, văn hoá, con người và kinh tế của Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc vì quá khứ ngàn năm bị đô hộ của chúng ta. Dưới lăng kính của các nước phương Tây, Việt Nam luôn được coi là Trung Quốc + 1, là cánh tay nối dài của họ. Cũng vì thế, Việt Nam là bản sao hoàn hảo và sẽ bước đi trên đúng con đường mà Trung Quốc đã trải qua với độ trễ 10 năm.
Nói một cách dễ hiểu, rất nhiều cổ phiếu Việt Nam sẽ bùng nổ như Tencent hay Mao Đài, sẽ tăng gấp hàng trăm lần trong thập niên tới. Chúng ta sẽ là nhân chứng sống cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán nước nhà. Việt Nam sẽ là một Nhật Bản cuối thập niên 1980, là Thái Lan giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.
Tất nhiên, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn khá non trẻ và những gì tinh túy nhất phải đến từ thị trường chứng khoán Mỹ, nơi được coi là cái nôi của chủ nghĩa tư bản. Ngôi sao của những ngôi sao ở xứ cờ hoa chính là Apple, doanh nghiệp lớn nhất hành tinh có giá trị vốn hoá lên tới 2.300 tỷ USD. So với con số 2.3 tỷ USD vào năm 1997 khi doanh nghiệp đối diện nguy cơ phá sản và phải cầu cứu huyền thoại Steve Jobs trở về thì cổ phiếu Apple đã tăng 1.000 lần chỉ trong 20 năm.
Ngoài ra, một huyền thoại sống chúng ta không thể không nhắc đến chính là Bill Gates, người đã lèo lái Microsoft từ một con thuyền nhỏ bé trở thành một Titanic thực sự trên thị trường chứng khoán khi giá cổ phiếu MSFT tăng 600 lần trong 14 năm (từ năm 1986 đến năm 2000 - giai đoạn bong bóng cổ phiếu dotcom).
Và thật thiếu sót nếu bỏ qua người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos đang lãnh đạo gã khổng lồ trong ngành thương mại trực tuyến mang tên Amazon. Cổ phiếu niêm yết năm 97 chỉ với giá 1.5 USD và nay đạt tới con số 3.300 USD, tăng hơn 2.000 lần chỉ trong 20 năm, không có ngôn từ hoa mỹ nào tương xứng với sự kỳ diệu của cổ phiếu Amazon.
Sự điên rồ không kém là Tesla, ông lớn trong ngành xe hơi điện, vốn hoá đạt tới 800 tỷ USD, bằng tất cả các hãng xe hơi khác cộng lại nhân 2. Giá cổ phiếu Tesla đang loanh quanh ở mức 45 trong nhiều năm bỗng nhiên tăng vọt lên 900, giá tăng 20 lần chỉ trong một năm, một sự thăng thiên ngoài sức tưởng tượng.
Vùng trũng Đông Nam Á cũng có vài hiện tượng đột biến và ngôi sao hiện nay chính là cổ phiếu tập đoàn Sea, có quốc tịch Singapore nhưng niêm yết trên thị trường Mỹ vào năm 2018 với giá 10 USD và hiện nay là 270, tăng 27 lần chỉ trong 2 năm. Vốn hóa Sea lên tới 140 tỷ USD và chính thức trở thành doanh nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á. Năm 2016 định giá của Sea chỉ là 1.25 tỷ USD, nghĩa là vốn hoá tăng hơn 100 lần chỉ trong 5 năm.
Nói tới đây chúng ta sẽ hiểu, trong thập niên tới nhiều ngôi sao trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần là chuyện bình thường. Và tất nhiên, cổ phiếu sẽ ưu việt hơn tất cả những kênh đầu tư khác, không một nơi nào có thể tạo ra sự thịnh vượng, sự giàu sang như cổ phiếu.