Dù thị trường chứng khoán đang trong những ngày điều chỉnh giảm khiến các nhà đầu tư "choáng váng", nhưng những nhận định tươi sáng trong nửa cuối năm 2021 vẫn liên tiếp được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố cơ bản.
Sau khi Vn-Index đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, định giá P/E hiện tại của Vn-Index đang tiệm cận mức trung vị chia ra nhóm thị trường “đắt” và “rẻ”. Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội và tiềm năng tăng trưởng EPS cao, mức định giá của Vn-Index hiện vẫn được xem là hợp lý.
Nhịp điều chỉnh hiện nay của thị trường sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư với tầm nhìn tăng trưởng trong 3 năm tới. Sau diễn biến này, Vn-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm hướng về mức 1.500 điểm trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những cái nhìn thận trọng.
Trong báo cáo tháng 7 của Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho biết, động lực tăng trưởng của thị trường tiếp tục đến từ sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt nhóm vốn hóa lớn thuộc các ngành ngân hàng, thép, chứng khoán, tiện ích, công nghệ thông tin… trong bối cảnh điều kiện thị trường được đánh giá sẽ tiếp tục duy trì trạng thái thuận lợi.
Hiện, chỉ số P/E của thị trường đang ở mức hơn 18 lần và đang được đánh giá là rẻ nếu xét đến bối cảnh EPS của toàn thị trường được dự báo tăng trưởng 20-25% trong các quý tới.
Thực tế, tăng trưởng EPS đang là yếu tố chính giải thích về mặt cơ bản cho mức tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua, EPS của các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh dựa trên kết quả kinh doanh quý I vừa qua.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có sự phân bổ không đồng đều giữa các ngành, chủ yếu tập trung lớn ở các cổ phiếu ngân hàng. Theo thống kê, tổng lợi nhuận của 13 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đã chiếm đến hơn 42% tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2021.
Như vậy, nếu loại phần lợi nhuận chiếm hầu hết bởi ngành ngân hàng thì mức tăng trưởng EPS là rất thấp và P/E của thị trường có thể đã vượt mức 25 lần.
Trong khi đó, dù các doanh nghiệp niêm yết khác đã có sự hồi phục, các hoạt động đầu tư mở rộng đã được triển khai trở lại nhưng vẫn duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh tại các quốc gia khác.
Hiện, dịch bệnh đã quay trở lại với nước ta và tiếp tục lan tràn ra các tỉnh phía Nam thì có khả năng dòng vốn đầu tư và huy động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sụt giảm trong 2 quý cuối năm, đặc biệt là các ngành sản xuất.
Hơn nữa, có ý kiến cho rằng, điều đáng lo nhất của thị trường hiện nay sẽ đến từ nhóm ngành bất động sản dù giao dịch cổ phiếu nhóm ngành này khá trầm lắng trong thời gian qua nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với ngành ngân hàng.
Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp ngành bất động sản sẽ dẫn đến tác động tiêu cực lên hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng, kéo theo suy giảm trong mức EPS của toàn thị trường, qua đó đẩy mức P/E tăng cao, tạo áp lực điều chỉnh lớn cho thị trường trong mức định giá.