Thu hút đầu tư xanh: Có nên lọc ngành?
Không thể loại trừ hết các ngành có dấu hiệu ô nhiễm mà nên chọn nâng cao công nghệ để giảm ô nhiễm và nâng hiệu quả khi chế biến, tinh lọc.
Đó là quan điểm của các chuyên gia tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh niên tổ chức ngày 5/12, tại TPHCM.
Thu hút FDI xanh: Việt Nam trong top 10
Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Đỗ Văn Sử, cho biết tăng trưởng xanh được triển khai ở Việt Nam từ năm 2012. Đến nay, thành tựu đạt được là xây dựng thành công thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và thúc đẩy nguồn lực nhà nước và tư nhân.
Việt Nam đặt ra 4 mục tiêu quan trọng trong tăng trưởng xanh. Cụ thể là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, nâng cao sức chống chịu...
Theo nghiên cứu bước đầu của Bộ KH-ĐT và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), đến năm 2050, 2 nguồn năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời có tiềm năng đóng góp khoảng 70 - 80 tỉ USD vào GDP và tạo khoảng 90.000 - 105.000 việc làm trực tiếp. Hệ sinh thái hydro có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỉ USD vào GDP, tạo ra 40.000 - 50.000 việc làm.
Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần tới 368 tỉ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0. Còn theo tính toán của Bộ KH-ĐT và BCG, cần huy động thêm 144 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, tương ứng 2,2% của GDP, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về vào năm 2050.
Phương án huy động vốn đầu vào tăng trưởng xanh đến từ 3 nguồn vốn chính. Đó là vốn hỗ trợ từ nước ngoài, trong đó từ JETP cam kết hỗ trợ là 15,5 tỉ USD.
Thứ 2 là đầu tư nước ngoài. Kế hoạch đến năm 2030 vốn đầu tư nước ngoài thực hiện một năm khoảng 20 - 30 tỉ USD cho giai đoạn 2026 - 2030; từ 30 - 40 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2031 - 2040. Để tăng thu hút nguồn vốn này, Việt Nam đang chuyển đổi từ thu hút đầu tư theo hướng rộng sang chiều sâu và có chọn lọc, đặt mục tiêu tăng trưởng xanh theo hướng chất lượng cao, đầu tư xanh và có chọn lọc.
Và thứ 3 là nguồn vốn từ nội lực, bao gồm cả vốn đầu tư công và tư, bao gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn mang tính vốn mồi, dẫn dắt đầu tư tư nhân.
Ông Đỗ Văn Sử cho biết, Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước thu hút đầu tư xanh nhiều nhất, chiếm 5% trong các nước đang phát triển. Trong đó, năng lượng tái tạo thu hút chủ yếu, tăng gấp 5,7 lần trong 10 năm qua.
Có nên lọc ngành?
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, tăng trưởng xanh của Việt Nam là hành trình đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, do áp lực chuyển đổi xanh, nhiều địa phương trong thu hút đầu tư lại nghiêng về "lọc ngành" thay vì xem xét các tiêu chí phát thải có đáp ứng yêu cầu hay không. Như vậy, tăng trưởng xanh nên hiểu thế nào cho đúng và thu hút đầu tư xanh như thế nào cho phù hợp để không ảnh hưởng đến phát triển chung của đất nước?
Trả lời cho câu hỏi trên, ông Lê Viết Phúc, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, trước xu thế phát triển bền vững, trong định hướng thu hút đầu tư, Bà Rịa-Vũng Tàu hạn chế ngay từ đầu những ngành gây ô nhiễm như chế biến tinh bột sắn, nhuộm, thuộc da, cao su, sản xuất bột giấy…
Bà Rịa-Vũng Tàu có những thuận lợi như nguồn khí gas tự nhiên và các hệ thống đường ống khí cung cấp đến từng khu công nghiệp, có hệ thống phát triển hệ thống điện mặt trời hoàn chỉnh…
Với định hướng và thuận lợi đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng thông minh trong quản lý vận hành, tiến tới mục tiêu phát triển xanh, sinh thái.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong việc thu hút dự án xanh là các nhà đầu tư khi làm việc với chủ đầu tư hạ tầng luôn quan tâm đến vị trí nhà máy thuận lợi, muốn dự án đầu tư phải gần khu vực cảng, gần vị trí giao thông mặc dù đã được phân khu chức năng và quy hoạch cụ thể. Nếu đáp ứng theo yêu cầu của nhà đầu tư thì không giữ được định hướng phân vùng, phá vỡ quy hoạch trong thu hút đầu tư, còn không đáp ứng được nhà đầu tư sẽ đi tìm địa phương khác.
Còn theo bàDương Thị Xuân Nương, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai không lọc ngành mà quan tâm đến việc chuyển đổi sang năng lượng xanh, công nghệ sản xuất cao, sử dụng nguyên liệu tái tạo.
Với TPHCM, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho hay sẽ không lọc ngành mà lọc công nghệ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng trưởng xanh với lộ trình phù hợp cần lồng ghép được vào chiến lược phát triển các ngành, địa phương để đảm bảo mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Trong quá trình này, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh. Lộ trình phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải của Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Đầu tư xanh: 6 rào cản với doanh nghiệp
Ông Đỗ Văn Sử chia sẻ, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề "Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh" vừa diễn ra tại UAE, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu phối hợp tổ chức, với câu hỏi đầu tư vào lĩnh vực xanh, các doanh nghiệp gặp những rào cản gì nhiều nhất, các nhà đầu tư đưa ra 6 rào cản khi họ đầu tư vào một quốc gia liên quan đầu tư xanh.
Cụ thể, đầu tiên là vấn đề chính sách, họ sợ nhất tính không nhất quán, không rõ ràng liên quan đầu tư xanh. Ví dụ, khi đang thu hút phát triển xe điện, với các chính sách ưu đãi như giảm thuế…, thì lại đột ngột chuyển sang ưu đãi thu hút đầu tư xe sử dụng khí hydro.
Tiếp đó là thiếu chính sách hỗ trợ, hoặc không rõ dẫn tới dự án xanh không đạt hiệu quả kinh tế. Hay vấn đề yếu kém hạ tầng, ví dụ như phát triển năng lượng tái tạo nhưng truyền tải không theo kịp, tương tự việc phát triển "nóng" điện tái tạo tại khu vực miền Trung của Việt Nam thời gian qua.
Các rào cản khác như: Thiếu công nghệ tiên tiến, không đủ hỗ trợ để họ phát triển; chi phí đầu tư ban đầu cao, khả năng tiếp cận tài chính, cơ chế tài trợ kém hiệu quả, rủi ro của thị trường; nguồn lao động không có tay nghề, thiếu chuyên môn quản lý dự án xanh và cuối cùng là bất ổn, rủi ro về chính trị, kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, các rào cản thu hút FDI xanh theo khảo sát là hành trình đầu tư, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, vốn tài chính, lao động, thuế và ưu đãi, nghiên cứu và phát triển...
Chọn công nghệ và phân nhóm định hướng, phân luồng theo ngành
Từ những vấn đề trên, với Việt nam, theo ông Đỗ Văn Sử, Bộ KH-ĐT đã đề xuất một số giải pháp. Theo đó, xây dựng chính sách bao gồm hoàn thiện khung pháp lý các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh, đồng thời cần sớm ban hành để nhà đầu áp dụng; phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải; ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư xanh; hướng dẫn đầu tư xanh trong PPP; có giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh; nâng cấp thể chế hóa bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững...
Liên quan đến chính sách đầu tư, đến nay, bộ tiêu chí chọn lọc hiệu quả đầu vào đã được Bộ KH-ĐT trình Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào các luật và nghị định.
Với bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra, Bộ KH-ĐT cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có gần 40 nhóm chỉ tiêu...
Về chủ đề của hội thảo "lọc ngành hay giảm phát thải", ông Đỗ Văn Sử đưa ra 2 hướng: Chọn công nghệ; phân nhóm định hướng, phân luồng theo ngành, ngành nào phù hợp địa bàn nào.
Trong bối cảnh Việt Nam, khảo sát cho thấy, chúng ta cần thu hút những ngành chế biến chế tạo trong nhiều lĩnh vực điện tử, linh kiện, công nghiệp ô tô, công nghiệp kim loại và đất hiếm, khoáng sản. Bên cạnh đó là dịch vụ năng lượng tái tạo, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin... Do đó, không thể loại trừ hết các ngành có dấu hiệu ô nhiễm mà nên chọn nâng cao công nghệ để giảm ô nhiễm và nâng hiệu quả khi chế biến, tinh lọc.
Ngoài ra, cần có quy trình chặt chẽ của doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Chặt ngay giai đoạn đầu vào, từ nhà nước, nhà đầu tư, nhà cung cấp hạ tầng khu công nghiệp.