Vĩ mô

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch từ tổ chức sự kiện, lễ hội độc đáo

PV 21/10/2023 - 09:28

Qua quá trình tìm tòi, sáng tạo từ các nét đặc trưng của mỗi địa phương, sự kiện du lịch, lễ hội độc đáo ở nhiều địa phương đang ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Tiết mục múa rồng của huyện Thanh Oai tại Festival Thu Hà Nội. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN.
Tiết mục múa rồng của huyện Thanh Oai tại Festival Thu Hà Nội. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN.

Sự kiện du lịch, lễ hội độc đáo ở nhiều địa phương đang ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Đây cũng là kết quả của quá trình tìm tòi, sáng tạo từ các nét đặc trưng của mỗi địa phương, làm phong phú thêm cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, việc này cũng hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tài nguyên vốn có.

Dấu ấn từ những điều giản dị...

Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên đã diễn ra thành công, thu hút khoảng 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Đây hứa hẹn là sự kiện du lịch văn hóa thường niên đặc sắc của Thủ đô.

Sự kiện ngắn gọn trong 3 ngày nhưng đã tôn vinh được vẻ đẹp của thành phố ngàn năm tuổi những ngày Thu sang.

Cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội, Ô Quan Chưởng, hoa Mê Linh, làng cổ Đường Lâm..., được tái hiện như những điểm đến du lịch Hà Nội hấp dẫn vào mùa Thu.

Không gian hương sắc mùa Thu, hương vị mùa Thu, quà tặng mùa Thu mang đến cho du khách cảm xúc, trải nghiệm riêng.

Đặc biệt ấn tượng là các gian hàng mô phỏng Phố Phái đã tạo nét chấm phá, làm nên sắc thu riêng có của Hà Nội mà không nơi nào có được.

Du khách được thấy những con phố liêu xiêu với mái ngói thâm nâu, rêu phong cổ kính trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái tự bao giờ đã trở thành một phần của phố cổ Hà Nội cùng những góc phố cũ, cửa hàng mậu dịch, quán ăn tem phiếu một thời...

Các hoạt động đặc sắc của Festival Thu Hà Nội có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, văn hóa với ẩm thực đã tạo ra một bức tranh đa sắc để mùa Thu Hà Nội vốn đã hấp dẫn, nay càng quyến rũ hơn. Đây cũng là một cách hiệu quả nhằm tôn vinh, quảng bá các điểm đến, các sản phẩm du lịch ở Hà Nội vào mùa đẹp nhất trong năm.

Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên cũng đã được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục Việc làm.

Năm 2023, Sơn La lần đầu tổ chức Lễ hội Càphê trong tháng 10 để quảng bá thương hiệu càphê, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; xúc tiến cho các sản phẩm nông nghiệp khác. Đây là cơ hội giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hoá cà phê, con người, thế mạnh du lịch, tạo dựng hình ảnh Sơn La thân thiện, mến khách.

Sơn La kỳ vọng sẽ góp phần vun đắp cho sự phát triển của văn hoá cà phê ở tỉnh và Việt Nam nói chung. Cũng từ đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Hà Giang - vùng đất cực Bắc của Tổ quốc - nhiều năm qua cũng đã phát triển du lịch khá tốt với nhiều lễ hội độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Trong đó, Lễ hội hoa Tam giác mạch nay đã bước vào mùa thứ 9 và có chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa”.

Để chuẩn bị cho lễ hội, 4 huyện vùng cao nguyên đá đã gieo trồng khoảng 400ha tam giác mạch, chia thành 3 đợt, đảm bảo hoa nở đến hết tháng 12/2023.

Hoa được trồng ở các vị trí thuận lợi cho du khách như: Điểm dừng chân Cổng Trời, Điểm Du lịch Thạch Sơn Thần (Quản Bạ); 2 bên đường các xã Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Cú (Đồng Văn); Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc)...

Trong khuôn khổ lễ hội, du khách còn được trải nghiệm đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, dệt vải lanh, chế tác khèn Mông, thưởng thức ẩm thực truyền thống các dân tộc...

Tại các làng văn hóa du lịch tiêu biểu còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian cho du khách trải nghiệm.

Có thể nói rằng Lễ hội hoa Tam giác mạch - loài hoa bé nhỏ ở vùng núi cao đã góp phần tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người và giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hà Giang đang làm tốt việc khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng đến với du khách trong nước, quốc tế.

Kết nối để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh

Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là 3 điểm đến lớn ở khu vực miền Trung đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo và có năng lực cạnh tranh cao.

Hàng năm, 3 địa phương đều có những sự kiện, lễ hội thu hút đông đảo du khách.

Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu chia sẻ: Giai đoạn 2016-2019, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đều tăng trưởng ấn tượng với 20-25 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Cả 3 điểm đến đều có tiềm năng, lợi thế, nhất là con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới độc đáo đã được UNESCO ghi danh; hệ thống giao thông thuận lợi, văn hóa bản địa hấp dẫn.

Nơi đây cũng đã hình thành liên kết để nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách, làm phong phú sản phẩm, xúc tiến du lịch.

Trong đó, Thừa Thiên-Huế thành công với việc xây dựng tổ chức thành công Festival Huế từ năm 2000.

Sự kiện này đã tạo dấu ấn rất lớn với hàng loạt hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, phát huy giá trị di sản, văn hóa đất cố đô.

Festival Huế đã góp phần quảng bá hình ảnh địa phương mạnh mẽ hơn, gia tăng lượng khách lưu trú, tham quan, thúc đẩy tăng trưởng du lịch cho địa phương.

Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, Festival Huế năm 2022 đã thu hút khoảng 180.000 lượt du khách, doanh thu khoảng 155 tỷ đồng.

Khách lưu trú ước đạt 72.000 lượt (trong đó có gần 2.200 khách quốc tế), công suất phòng khách sạn bình quân đạt 85%.

Người dân và du khách đã được thưởng thức, trải nghiệm sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn trong không gian cổ kính của một cố đô giàu bản sắc truyền thống, đô thị xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Festival Huế 2023, Ban tổ chức tiếp tục khai thác các hình thái lễ hội dân gian, cung đình, tôn giáo, truyền thống hiện có, từng bước xây dựng các lễ hội mới, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển thành sản phẩm du lịch lễ hội.

Đà Nẵng từ nhiều năm qua cũng phát huy giá trị sự kiện và lễ hội, điển hình là Lễ hội pháo hoa.

Năm 2023, lễ hội có chủ đề "Thế giới không khoảng cách" trở lại sau 3 năm tạm dừng vì dịch COVID-19 đã thu hút lượng lớn du khách.

Qua hơn 1 tháng tổ chức lễ hội, lượng khách lưu trú tăng 29% so với lễ hội năm 2019. Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc, nghệ thuật đặc biệt hấp dẫn mang đến cho người dân, du khách không gian vui chơi, khám phá "không khoảng cách" đúng như chủ đề.

Nhiều chuyên gia du lịch đánh giá thành công của Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng đã góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp về một thành phố đáng sống, đáng đến trong mắt du khách.

Cho đến nay, Đà Nẵng đã 2 lần được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới công nhận là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á (Asia's Leading Festival and Event Destination) vào năm 2016 và 2022.

Còn tại Quảng Nam, Tết trung Thu ở Hội An trong hơn 25 năm qua đã gắn liền với hoạt động của đêm rằm phố cổ, thu hút đông đảo du khách.

Lễ hội này còn thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm gìn giữ di sản văn hóa của cộng đồng.

Năm 2023, lễ hội càng có ý nghĩa hơn khi Hội An đón nhận nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung Thu.

Danh hiệu này càng khẳng định những giá trị mà Tết Trung Thu mang lại trong đời sống người dân, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Đây cũng là điều cần thiết bởi Hội An đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật Dân gian để tham gia ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ xong nhiều chuyên gia cho rằng 3 địa phương vẫn cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh.

Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá; nắm bắt xu hướng và nhu cầu của du khách để xúc tiến phù hợp...


TTC Hospital (VNG) 'bán đứt' Palace Bình Thuận cho Núi Tà Cú, tạm lãi gần chục tỷ đồng

Ninh Thuận thu hút hơn 1.210 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/thuc-day-tang-truong-du-lich-tu-to-chuc-su-kien-le-hoi-doc-dao-post139468.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thúc đẩy tăng trưởng du lịch từ tổ chức sự kiện, lễ hội độc đáo
    POWERED BY ONECMS & INTECH