Thực hư chuyện "Quốc ca bị đánh bản quyền" và thế lực truyền thông mới nổi BH Media

07-12-2021 17:31|Đăng Điệp

Ngay sau trận ra quân tại vòng bảng AFF Cup 2020 giữa ĐTQG Việt Nam và ĐTQG Lào tới 6/12/2021, ảnh chụp màn hình kênh YouTube Next Sports phát hình ảnh các cầu thủ Việt Nam đang hát Quốc ca nhưng không có tiếng được lan truyền trên mạng xã hội khiến không ít cư dân mạng bức xúc. Nhiều người cho rằng, BH Media "đánh gậy bản quyền" trên YouTube với ca khúc Tiến quân ca khiến người hâm mộ Việt Nam không được nghe Quốc ca của đất nước mình.

Tối ngày 6/12, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 đã được diễn ra với chiến thắng 2 - 0 thuộc về thầy trò HLV Park Hang-seo.

Tuy nhiên, ngoài bóng đá thì còn có một câu chuyện khác tác động mạnh tới cảm xúc của người xem đó là việc khi bản Quốc ca Việt Nam vang lên thì tiếng bị tắt trên một số kênh YouTube tiếp sóng trận đấu, kèm lời xin lỗi của kênh phát sóng: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Thông báo được đăng tải trên Youtube khi đội tuyển Việt Nam đang hát Quốc ca (Ảnh chụp màn hình)

Ngay sau trận đấu, hình ảnh chụp màn hình kênh YouTube Next Sports phát hình ảnh các cầu thủ Việt Nam đang hát Quốc ca nhưng không có tiếng được lan truyền trên mạng xã hội khiến không ít cư dân mạng bức xúc. Nhiều người cho rằng, BH Media "đánh gậy bản quyền" trên YouTube với ca khúc Tiến quân ca khiến người hâm mộ Việt Nam không được nghe Quốc ca của đất nước mình. Lý do một số tờ báo và khán giả nghĩ ngay tới BH Media là vì mới đây BH Media từng bị VTV "tố" là "nhận vơ bản quyền Quốc ca".

Liên quan đến vấn đề này, BH Media khẳng định vụ việc tắt tiếng Quốc ca nói trên không hề liên quan tới mình cũng như không hề có bên nào "đánh bản quyền" bài hát Tiến quân ca.

Next Sports đã tự tắt tiếng phần hát Quốc ca Việt Nam để tránh việc bản Quốc ca được phát trong trận đấu có thể không có bản quyền và khi phát trên YouTube sẽ bị bên sở hữu hợp pháp bản ghi "đánh bản quyền", khiến kênh bị mất doanh thu với video phát trận đấu này.

Phía BH Media phỏng đoán, Next Sports phòng xa để tránh sự cố như FPT Bóng đá Việt mới đây. Trước đó, tối 16/11, FPT Bóng đá Việt tiếp sóng trực tiếp (có bản quyền tiếp sóng) trận Việt Nam - Saudi Arabia thuộc vòng loại thứ 3 của World Cup 2022.

Video đạt gần 4 triệu lượt xem sau khi trận đấu kết thúc và hiện nay là hơn 4 triệu lượt xem, nhưng kênh này đã bị mất doanh thu vì ban tổ chức trận đấu đã dùng bản ghi Tiến quân ca do Hãng đĩa Marco Polo sản xuất. Vì vậy video trận đấu đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.

"Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất", đại diện BH Media cho biết.

Tuy nhiên, không chỉ có "Tiến quân ca", BH Media từng vướng không ít lùm xùm xung quanh việc "nhận vơ", sở hữu trái phép bản quyền một loạt các tác phẩm, video khác trên YouTube.

Trước đó, theo VTV, BH Media đã âm thầm khai thác trái phép các sản phẩm không thuộc quyền sở hữu của mình. Nhờ Content ID (một hệ thống quét bản quyền) của YouTube mà trên nền tảng này BH Media đã báo cáo vi phạm các bên sử dụng nhạc mà họ đã đăng ký bản quyền với YouTube.

Đơn vị này từng khiếu nại ca khúc Quốc Ca mà VTV sử dụng trong đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "thuộc quyền sở hữu của mình".

Chưa dừng lại ở đó, BH Media còn "đánh gậy" bản quyền ca khúc "Giấc mơ trưa" với nhạc sĩ Giáng Son trong khi đây chính là bài hát do nhạc sĩ này sáng tác.

BH Media cũng bị nhiều đơn vị khác tố là tự ý "đăng ký bản quyền âm thanh" với tác phẩm không phải là của mình sau đó nhờ Content ID của YouTube quét rồi gửi "khiếu nại bản quyền" các kênh khác trong khi họ mới chính là kênh sở hữu tác phẩm đó.

Điều này khiến không ít người tò mò về "tiềm lực" thực sự của đơn vị này trong lĩnh vực truyền thông.

“Sức khỏe” BH Media ra sao?

Theo tìm hiểu, BH Media là doanh nghiệp hoạt động khá lâu năm trong lĩnh vực truyền thông, nội dung số tại Việt Nam, có tên đầy đủ là CTCP Thương mại và Dịch vụ truyền thông BIHACO. Doanh nghiệp này thành lập năm 2008 do ông Nguyễn Hải Bình (sinh năm 1982) sáng lập và làm Giám đốc điều hành.

CEO Nguyễn Hải Bình - BH Media trong cuộc họp báo. Nguồn: Internet

BH Media có quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Hải Bình (nắm 40% vốn điều lệ), ông Đào Xuân Hoàng (nắm 40% vốn điều lệ) và bà Nguyễn Thị Huyền Trang (nắm 20% vốn điều lệ).

Theo giới thiệu trên website chính thức, BH Media sở hữu một danh sách dài các ứng dụng trên điện thoại di động, thuộc nhiều lĩnh vực từ game, tin tức, giáo dục, tử vi, giải trí, du lịch, thể thao,... Ngoài ra, BH Media còn sở hữu rất nhiều sản phẩm truyền thông số bao gồm: trang web xoso.com, trang thương mại điện tử Chọn Mua Deal, dự án PHANMEM.COM.

BH Media cũng cung cấp các giải pháp về marketing online như: SEO-SEM Marketing, Social Media Marketing,... Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn hoạt động nhiều trong các lĩnh vực liên quan đến nền tảng số, mạng xã hội như biên tập video, quản lý Fanpage, kênh YouTube,... Một số Fanpage sở hữu hàng triệu like cũng được BH Media tuyên bố quyền sở hữu.

Không rõ BH Media đã đăng ký quyền sở hữu bao nhiêu tác phẩm và khai thác chúng từ bao giờ nhưng nguồn lợi từ việc “nhận vơ” các tác phẩm nổi tiếng mang lại cho đơn vị truyền thông này là không thể phủ nhận.

Năm 2020, doanh thu của BH Media tăng vọt hơn 91% so với năm trước lên mức 15,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019 cũng là một năm doanh nghiệp truyền thông này có doanh thu đột biến gần 8 tỷ đồng khi giai đoạn 2016 - 2018 trước đó con số chỉ quanh mức 4 - 5 tỷ đồng.

Sau giai đoạn thua lỗ triền miên, BH Media đã thoát lỗ năm 2019 song lợi nhuận thuần cũng chỉ vỏn vẹn gần 700 triệu đồng. Con số này thậm chí còn giảm trong năm 2020 với xấp xỉ 500 triệu đồng dù doanh thu tăng đột biến.

Không chỉ tình hình kinh doanh được cải thiện, quy mô của BH Media cũng tăng đáng kể sau khi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, do khoản lỗ lũy kế những năm hoạt động kém hiệu quả trước đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 15 tỷ đồng. Nhờ tăng vốn, tổng tài sản của BH Media cũng tăng gấp đôi so với năm trước lên 17,8 tỷ đồng.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thuc-hu-chuyen-quoc-ca-bi-danh-ban-quyen-va-the-luc-truyen-thong-moi-noi-bh-media-128833.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thực hư chuyện "Quốc ca bị đánh bản quyền" và thế lực truyền thông mới nổi BH Media
    POWERED BY ONECMS & INTECH