Thế giới 24h

Thực hư đề xuất 'chia cắt Ukraine như Berlin thời hậu chiến' của đặc phái viên Mỹ

Minh Hạnh 12/04/2025 16:24

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine - Keith Kellogg - bác bỏ thông tin cho rằng ông đề xuất phân chia Ukraine giống như nước Đức sau Thế chiến II. Ông cáo buộc tờ The Times xuyên tạc phát biểu của ông về một thỏa thuận an ninh hậu ngừng bắn.

Thực hư đề xuất 'chia cắt Ukraine như Berlin thời hậu chiến' của đặc phái viên Mỹ ảnh 1
Đặc phái viên Keith Kellogg. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, ông Kellogg nói với tờ The Times trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 11/4, rằng quân đội Anh và Pháp có thể dẫn đầu lực lượng quân sự phương Tây đóng ở phía tây Sông Dnepr, trong khi quân đội Ukraine sẽ kiểm soát vùng lãnh thổ xa hơn về phía đông. Ông cũng đề xuất thiết lập một khu phi quân sự (DMZ) rộng khoảng 30 km dọc theo các tiền tuyến hiện tại để ngăn chặn các cuộc đụng độ trực tiếp với lực lượng Nga.

"Có thể làm cho nó trông giống như những gì đã xảy ra với Berlin sau Thế chiến II, khi chúng ta có một khu vực của Nga, một khu vực của Pháp và một khu vực của Anh, một khu vực của Mỹ", ông Kellogg cho biết.

Đặc phái viên thừa nhận Mátxcơva "có thể sẽ không chấp nhận" đề xuất. Nhưng ông tin rằng DMZ sẽ tạo ra các điều kiện cho lệnh ngừng bắn "bền vững" và "hoàn toàn không khiêu khích" đối với Mátxcơva.

Bài báo được The Times đăng tải với tiêu đề "Đặc phái viên của ông Trump: Chúng ta có thể chia cắt Ukraine như Berlin thời hậu chiến", khiến ông Kellogg tức giận và cáo buộc tờ báo này trích dẫn sai ngữ cảnh.

"Tờ The Times đã diễn giải sai những gì tôi nói", ông Kellogg viết trên mạng xã hội X vào tối thứ Sáu. "Tôi đang nói về lực lượng đảm bảo an ninh sau lệnh ngừng bắn để ủng hộ chủ quyền của Ukraine. Tôi có đề cập đến các khu vực hoặc vùng chịu trách nhiệm của lực lượng đồng minh, nhưng tôi không đề cập đến việc phân chia Ukraine".

The Times lưu ý rằng theo ông Kellogg, bất kỳ giải pháp cuối cùng nào cũng sẽ liên quan đến việc Kiev từ bỏ yêu cầu đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát - một quan điểm tương đồng với những đề xuất gần đây do đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông, Steve Witkoff, đưa ra.

Ông Witkoff trước đó đã lập luận rằng việc công nhận quyền sở hữu của Nga đối với Lugansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson là con đường nhanh nhất để chấm dứt xung đột. Đề xuất này đã gây ra cuộc tranh luận nội bộ trong chính quyền Tổng thống Trump, vì ông Kellogg được cho là phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ hoàn toàn.

Những quốc gia ủng hộ Kiev vẫn bị chia rẽ về đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine sau khi xung đột giữa Kiev và Mátxcơva kết thúc. Sau cuộc họp mới nhất của "liên minh sẵn sàng" gồm khoảng 30 quốc gia tại Brussels hôm 10/4, chỉ có sáu quốc gia phương Tây bày tỏ mong muốn gửi quân đến Ukraine.

Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không được triển khai lực lượng đến Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là lực lượng từ các quốc gia NATO. Tháng trước, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết khả năng xuất hiện bất kỳ “lực lượng gìn giữ hòa bình” nào của NATO ở Ukraine sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến trực tiếp giữa khối này và Nga.

Theo RT

>>Mỹ - Ukraine căng thẳng vì chưa đạt được thỏa thuận khoáng sản

Mỹ - Ukraine căng thẳng vì chưa đạt được thỏa thuận khoáng sản

Tổng thống Putin gặp đặc phái viên của ông Trump, Ukraine nhận viện trợ 'khủng'

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/thuc-hu-de-xuat-chia-cat-ukraine-nhu-berlin-thoi-hau-chien-cua-dac-phai-vien-my-post1733072.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thực hư đề xuất 'chia cắt Ukraine như Berlin thời hậu chiến' của đặc phái viên Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH