Tiêu thụ khó khăn, DHB lỗ đậm

21-07-2023 10:05|Đình Đại

Lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của DHB ghi nhận lỗ hơn 350 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này kể từ sau chuỗi lợi nhuận bùng nổ bắt đầu từ quý III/2021.

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 mới công bố, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM: DHB) ghi nhận doanh thu đạt hơn 901 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán cũng tăng thêm 25%, lên hơn 1.000 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 120 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 785 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc thua lỗ quý thứ 2 liên tiếp.

Mặc dù trong kỳ doanh nghiệp đã tiết giảm được hầu hết các chi phí như chi phí tài chính giảm 24%, chi phí bán hàng giảm 53% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6% so với cùng kỳ; Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành phân bón này vẫn lỗ sau thuế hơn 350 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 478 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp của DHB kể từ sau chuỗi lợi nhuận bùng nổ bắt đầu từ quý III/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của DHB đạt 2.086 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 480 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1.346 tỷ đồng. Với kết quả ảm đạm này, DHB còn cách xa kế hoạch lãi trước thuế 932 tỷ đồng của năm 2023 do ĐHĐCĐ giao.

Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa công bố giải trình nguyên nhân thua lỗ nặng trong quý II, nhưng theo giải trình nguyên nhân lỗ trong quý I, DHB cho rằng, việc thua lỗ đến từ việc tiêu thụ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá Urê và NH3 trong nước liên tục giảm mạnh theo giá thế giới, sản lượng tiêu thụ đạt thấp so với kế hoạch. Bên cạnh đó, giá dầu, giá than cũng như vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn giữ ở mức cao. Nguồn than lại thiếu hụt, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao…

Tính tới cuối quý II/2023, tổng tài sản của DHB đạt hơn 7.105 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tiền mặt nắm giữ ghi nhận hơn 141 tỷ đồng, cùng 48 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, tổng cộng hơn 189 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ đạt 869 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 7.837 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 6.308 tỷ đồng; nợ vay ngắn hạn cuối kỳ ghi nhận hơn 1.590 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Các khoản nợ gồm 240 tỷ đồng tại Ngân hàng VietinBank và gần 1.350 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Nợ vay dài hạn ghi nhận hơn 1.404 tỷ đồng, hầu hết là khoản vay từ VietinBank chi nhánh Bắc Giang và các ngân hàng đồng tài trợ.

Trên thị trường, cổ phiếu DHB đang giao dịch quanh thị giá

Theo Chứng khoán BVSC, từ quý IV/2022, giá các loại phân bón bắt đầu đảo chiều do chi phí sản xuất giảm (than và khí tự nhiên hạ nhiệt). Đặc biệt là Trung Quốc mở cửa trở lại khiến nguồn cung phân bón toàn cầu tăng trong khi nhu cầu sử dụng yếu đã khiến giá phân bón giảm mạnh, thiết lập mặt bằng giá ngày càng thấp trên toàn thế giới.

Giá phân Ure giảm mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng phân bón, từ mức lập đỉnh 925 USD/tấn FOB trong tháng 4/2022 xuống còn 314 USD/tấn FOB vào tháng 3/2023, giảm 66%. Tương tự, giá phân bón DAP và NPK cũng lần lượt giảm 36% và 20% so với mức lập đỉnh hồi tháng 4/2022.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, giá Ure tại nhiều thị trường quan trọng trên thế giới đã có sự hồi phục nhẹ trở lại. Theo đó, giá Ure thế giới đã tăng từ 1- 29 USD/tấn tại hầu hết các khu vực.

Tại thị trường Ai Cập, giá tăng cao nhất tới 29 USD/tấn trong tuần cuối cùng của tháng 6 so với tuần trước đó. Trong khi đó, tại thị trường bờ Tây Suez, giá Ure tăng từ 1-10 USD/tấn nhờ các giao dịch mua hàng cho vụ đậu tương và chuẩn bị hàng hóa cho vụ Thu. Tại Trung Quốc, giá Ure cũng tăng nhẹ do sản lượng Ure sản xuất của Trung Quốc giảm xuống do các nhà máy vận hành chỉ đạt khoảng 80%.

BVSC nhận định, nhu cầu tiêu thụ phân bón dự báo phục hồi nhẹ. Theo BVSC, năm 2023, nhu cầu phân bón thế giới được IFA ước tính đạt 195,8 nghìn tấn, phục hồi 1,5% từ mức thấp trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu Ure toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7%; nhu cầu DAP tăng từ 4-7% so với năm trước nhờ giá nông sản chính thế giới được dự báo vẫn ở mức cao do đó hỗ trợ khả năng chi trả cho phân bón, thúc đẩy thêm nhu cầu tiêu thụ phân bón nhất là ở các nước trong khu vực Bắc và Nam Mỹ - nơi có nhu cầu sản xuất đậu tương và ngô.

Đối với nhu cầu trong nước, dự báo tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức hơn 10 triệu tấn/năm trong 2023 nhờ nông sản được đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, điều này khuyến khích nông dân trong nước tái đầu tư sản xuất, qua đó giảm bớt áp lực tồn kho của các doanh nghiệp.

Nhóm ngân hàng đưa 3 doanh nghiệp đứng trên bờ vực về ổn định sản xuất, lãi hàng nghìn tỷ đồng

Đạm Hà Bắc (DHB) lỗ 788 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu nghìn tỷ - đang nợ Vietinbank hơn 1.600 tỷ đồng

Hệ sinh thái sau lưng 1 đại gia và chuyện tăng vốn thần tốc trăm lần, huy động nghìn tỷ trái phiếu

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/tieu-thu-kho-khan-dhb-lo-dam-247821.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tiêu thụ khó khăn, DHB lỗ đậm
POWERED BY ONECMS & INTECH