Tỉnh này nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và là địa phương duy nhất không có thị xã.
Nơi tập trung cộng đồng người Chăm đông nhất cả nước
Ninh Thuận là tỉnh miền Trung duy nhất không có thị xã, nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tỉnh lỵ là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và 6 huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam. Tổng diện tích của tỉnh là hơn 3.300 km2, dân số gần 600.000 người.
Tỉnh có hình thể giống như một hình bình hành, phía Bắc của Ninh Thuận giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển. Địa hình Ninh Thuận thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với ba dạng chính: núi, đồi gò bán sơn địa, đồng bằng ven biển.
Năm 2022, Ninh Thuận có gần 600.000 dân, trong đó 13% là người dân tộc Chăm, kế đó 11% là dân tộc Răglây, còn lại là người Kinh.
Đây là nơi tập trung cộng đồng người Chăm đông nhất cả nước. Làng nghề truyền thống làm gốm Chăm tại Ninh Thuận là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á, được UNESCO ghi nhận là một trong 15 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Ninh Thuận coi đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa độc đáo.
Làng gốm Bàu Trúc - Làng gốm Chăm cổ nhất Đông Nam Á
Làng gốm Bàu Trúc là một trong những địa điểm du lịch ở Ninh Thuận hấp dẫn, nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp và kỹ thuật nung nấu đặc biệt, đỉnh cao, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Bàu Trúc cũng là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ.
Nằm ở ven quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam, Làng gốm bàu Trúc Ninh Thuận thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Ngôi làng này là một trong số những ngôi làng cổ nhất ở Đông Nam Á. Đồng thời cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn bằng tay. Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc cùng nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm trở thành điểm du lịch Ninh Thuận nổi tiếng.
Ngôi làng Bàu Trúc trước đây có tên gọi theo tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là Ma Tró hay “làng trũng” trong tiếng Việt, xưa là địa danh làng Vĩnh Thuận thời Minh Mạng năm 1832. Vào năm 1964, do một trận lụt lớn mà dân làng phải di dời về vùng đất có nhiều cây trúc bên cạnh một cái ao lớn. Từ đó người dân gọi là làng Bàu Trúc.
Theo dân gian kể lại, tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc chính là ông Poklong Chanh, vào thời hưng thịnh nhất của triều đại Poklong Garai đã từ chối làm quan triều đình và về làng dạy cho phụ nữ Chăm cách nắn, nung đất sét tạo thành những vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày. Những người phụ nữ Chăm đã thổi hồn vào đất sét vùng sông Quao, tạo ra những tác phẩm nở hoa và giữ lửa cho nghề gốm truyền thống suốt hơn nghìn năm nay.
Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề gốm, bà con ở đây đã lập đền thờ, tổ chức cũng tế ông Poklong Chanh vào dịp lễ Katê từ cuối tháng 9 đến tháng 10 theo lịch Chăm hàng năm ở Tháp Chàm Poklong Garai.
Theo nhiều nghệ nhân trong làng, làng gốm Bàu Trúc có tuổi đời cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công. Người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền-con nối”.
Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara độc đáo.
Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc đó chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Ở nhiều làng nghề, người ta thường dùng các bàn xoay để nặn gốm. Tuy nhiên ở đây, các nghệ nhân gốm dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc hiện không chỉ là một mặt hàng truyền thống mà còn vươn ra các thị trường quốc tế trong khi một số làng nghề thủ công truyền thống của Ninh Thuận còn đang gặp những rào cản trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, gốm Chăm Bàu Trúc được trưng bày tại California, Texas và Arizona thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu và mua hàng.
“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” của Việt Nam được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2022. Đây không chỉ là niềm vui, tự hào mà còn là động lực để người Chăm và tỉnh ta triển khai các giải pháp bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, tương xứng với sự ghi nhận của thế giới dành cho nghệ thuật gốm Chăm.