Nơi đây có cảnh sắc hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, từ lâu đã trở thành một danh thắng nổi tiếng ở xứ Nghệ.
Thành Rum hay còn gọi Lam Thành, tọa lạc trên núi cùng tên cao hơn 150m tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thành dài gần 1.000m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 500m và thu hẹp dần ở hai đầu. Công trình xây bằng đá son, đá vôi, trải dài từ chân lên đỉnh núi theo hướng Đông và Tây.
Với địa thế “tựa sơn, vọng thủy”, làng mạc trù phú nên suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, Lam Thành luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc.
Cuối thời Trần, khi nắm binh quyền, Hồ Quý Ly (1336-1407) chú trọng huấn luyện quân đội đề phòng quân Minh xâm lược. Ông củng cố các địa bàn chiến lược ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), bố trí người thân tín trấn giữ. Từ năm 1397 trở đi, Hồ Quý Ly cho người đắp thành Rum ở Hưng Nguyên, thành Trài ở Diễn Châu. Lên ngôi năm 1400, thành Rum trở thành căn cứ quân sự quan trọng của nhà Hồ, theo sách "Nghệ An cổ tích lục".
Tường thành ghép bằng đá, cao khoảng 2m, xếp chồng lên nhau. Mặt thành hình thang, nhiều đoạn xây cao làm vọng gác, bố trí ụ súng để báo động chiến đấu khi đối phương xâm nhập từ dưới lên. Cổng có 3 cửa, trong đó cửa chính làm nơi hành lễ, vận chuyển lương thực, vũ khí; cửa phụ là nơi ra vào của quân lính.
Từ năm 1407-1428, nhà Minh lấy cớ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đem quân sang đánh chiếm nước ta. Lịch sử giai đoạn này diễn ra xung quanh Lam Thành. Ách đô hộ của nhà Minh gây nên nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân, nhất là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Cuộc tiến công đầu tiên được cho là diễn ra năm 1409 song không thành công. Tướng Trương Phụ nhà Minh đã xử tử Nguyễn Biểu - người tới gặp Trương Phụ ở Lam Thành để bàn điều kiện cầu hòa.
Trước nguy cơ Đại Việt bị xâm chiếm vĩnh viễn, Lê Lợi xuất hiện lãnh đạo "cuộc kháng chiến 10 năm" (1418-1428). Năm 1423, ông lãnh đạo quân chiếm Lam Thành, đánh dấu bước đầu sự thất bại của quân Minh ở nước ta. Nhà Minh cho Vương Thông sang cứu viện. Trong bốn năm chiến đấu, cuối cùng nhà Minh buộc phải kỳ hòa ước và rút khỏi Đại Việt (1428).
Đến cuối thế kỷ XVIII, thành Rum là nơi vua Quang Trung (1753-1792) hội kiến với La Sơn phu thử Nguyễn Thiếp bàn bạc kế sách đánh quân Thanh. Quang Trung dừng chân tại Lam Thành để củng cố lực lượng, trong hơn 10 ngày đã tuyển được thêm hơn 50.000 người, nâng tổng số binh lính cũ và mới lên tới 100.000, tổ chức thành 5 đạo, ngoài ra còn có một đội tượng binh 200 voi chiến. Đủ binh hùng tướng mạnh, các đạo quân sau đó kéo ra Bắc, đánh tan quân Thanh vào sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi.
Từ đầu nhà Hậu Lê cho đến cuối đời Tây Sơn (1428-1801), vùng đất trù phú xung quanh núi Lam Thành được chọn làm lỵ sở, trung tâm hành chính của vùng thời xưa. Thành Rum là trấn lỵ, nơi đặt cơ quan đầu não.
Đến đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long lên ngôi đã chọn Yên Trường (nay là TP. Vinh) làm trung tâm hành chính, chính trị mới của tỉnh Nghệ An. Kể từ đó thành cổ trên núi cũng như lỵ sở quanh Lam Thành dần lùi vào dĩ vãng.
"Nghệ An ký" của học giả Bùi Dương Lịch viết Lam Thành là "một nơi danh thắng ở xứ Nghệ An". Học giả Hippolyte Le Breton, trong cuốn "An Tĩnh cổ lục", cho rằng lịch sử Lam Thành nổi lên trong những trang sử của Đại Việt kể từ đầu thế kỷ XV.
Bên cạnh thành Rum, xung quanh khu vực này còn có hàng chục công trình tâm linh như đền thờ Nguyễn Biểu, đền Tuyên Nghĩa Hầu, đền Thanh Liệt, đền vua Lê, chùa An Quốc, chùa Ông, chùa Mụ... gắn bó với sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân huyện Hưng Nguyên từ hàng trăm năm qua. Năm 1962, quần thể di tích núi Lam Thành được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
>> Những dấu tích lịch sử của thành cổ hơn 150 năm tuổi tọa lạc ngay giữa trung tâm Sài Gòn