Toàn cảnh "địa chấn" tăng giá hàng hóa trên thế giới những ngày qua

09-03-2022 18:07|Phúc Quỳnh

Đà tăng giá mạnh các loại hàng hóa từ dầu thô, lúa mì cho tới khí tự nhiên và nickel đang đe dọa tới đà phục hồi kinh tế toàn cầu; đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát tại các quốc gia thâm dụng nhiên liệu và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của hàng triệu người.

Những ngày qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy cơn “địa chấn” tăng giá hàng hóa trên thị trường toàn cầu lên một tầng cao mới. Hàng hóa liên tục lập đỉnh rồi phá đỉnh, thậm chí không ít trường hợp tăng vài chục % đã khiến áp lực lạm phát càng thêm nặng nề cho thị trường.

Dầu

gia-dau-the-gioi.gif

Nga là nước xuất khẩu tới 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 5% tổng lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tung ra thị trường tới 3 triệu thùng các sản phẩm từ dầu mỏ như dầu diesel.

Khi các nhà giao dịch dự đoán khả năng Mỹ sẽ có những biện pháp cứng rắn liên quan tới việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, giá hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 18% lên mốc gần 140 USD/thùng.

Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs ước tính, với mỗi 20 USD mức tăng giá dầu, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Âu sẽ mất đi 0,6 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm đối với Mỹ và Trung Quốc.

Nickel

nickel.png

Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu nickel lớn nhất thế giới.  Các lệnh trừng phạt đã làm nảy sinh tâm lý lo ngại nguồn cung này có thể bị gián đoạn khiến những khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa gia tăng và kéo theo sự "dậy sóng" của thị trường. 

Xuất phát từ lo ngại trên, hiện, giá nickel đã được đẩy tăng tới 90%. Đây được coi là mức tăng giá mạnh nhất từng được ghi nhận trên Sàn Giao dịch Kim loại châu Âu.

Tại Sàn Giao dịch kim loại London (LME), giá nickel tăng 0,8% lên 20.500 USD/tấn sau khi có thời điểm tăng lên 20.705 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 5/2014. Giá kim loại này đã tăng gần 30% so với mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay ghi nhận hồi tháng Ba.

Nhà phân tích Jim Lennon của Ngân hàng Macquarie (Australia) dự kiến tiêu thụ nickel sẽ tăng 17% trong năm nay lên 2,8 triệu tấn.

Theo chuyên gia này, sản xuất thép không gỉ sẽ tăng 16% trong năm nay và góp phần khiến nhu cầu tiêu thụ nickel tăng thêm 250.000 tấn. Trong khi đó, lượng nickel được sử dụng trong sản xuất pin dự kiến tăng 100.000 tấn trong năm nay lên khoảng 290.000 tấn.

Ông Lennon nhận định thị trường nickel đang thiếu hụt nguồn cung đáng kể, bất chấp đà tăng trưởng mạnh mẽ nguồn cung niken của Indonesia với hơn 300.000 tấn trong năm nay.

Dự trữ nickel trong các kho mà Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) giám sát đứng ở mức 8.608 tấn, giảm hơn một nửa kể từ cuối năm ngoái. Còn tại các kho do LME quản lý, dự trữ nickel ở mức 179.394 tấn, giảm hơn 30% kể từ giữa tháng Tư.

Khí tự nhiên

khi-tu-nhien(1).jpg

Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và Ukraine là quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga. Xung đột giữa hai nước này đã đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt sau một đợt trừng phạt khác của phương Tây.

Giá khí đốt đáo hạn sớm Hà Lan, chỉ số đo lường giá khí đốt quan trọng tại châu Âu có thời điểm tăng tới 79% và đang dao động quanh 139 euro/MWh. Đây là mức biến động cao nhất trong một ngày.

Trích số liệu từ Sàn giao dịch ICE ở London, Đài Sputnik cho biết, giá khí đốt châu Âu ghi nhận vào lúc 15h30 ngày 7/3 (giờ Việt Nam) đã đạt 3.600 USD/1.000 m3.

Cách đây 4 ngày, giá khí đốt ở châu Âu trên Sàn giao dịch ICE phá kỷ lục được ghi nhận vào cuối tháng 12/2021, lên gần 2.230 USD/1.000 m3, tăng 59,4%.

Lúa mì

gia-lua-mi(1).jpg

Nga và Ukraine được biết đến là những nước xuất khẩu lớn về lúa mì và ngô. Hai nước này cùng chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, gần 1/5 lượng ngô thương mại và khoảng 80% lượng xuất khẩu dầu hướng dương.

Cả hai đều là những nhà cung cấp lúa mì chính cho Trung Đông và Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Nga.

Do đó, giá lúa mì cũng không nằm ngoài đà tăng giá hàng hoá nói chung. Mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến cho nguồn cung mặt hàng này bị gián đoạn.

Hiện giá hợp đồng lúa mì tương lại tại Chicago đã tăng trần trong 6 phiên liên tiếp (7%/phiên) lên 12,94USD/giạ. Điều này nối tiếp đà tăng tới 41% chỉ tính trong tuần trước, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong vòng 6 thập kỷ qua, đồng nghĩa rằng giá lúa mì đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

Hợp đồng mua bán lúa mì tại thị trường Paris cũng đã lên cao nhất trong lịch sử, sau khi tăng tới 11%.

Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago đã tăng mạnh sau khi chạm mức cao nhất sau gần 14 năm vào thứ Sáu (25/2), trong khi giá ngô cũng đang giao dịch ở mức cao.

Xăng

gia-xang.jpeg

Giá xăng tăng cao đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ.

Giá xăng không chì trung bình tại Mỹ đang ở ngưỡng 4,065 USD/gallon (theo AAA) và thấp hơn mức đỉnh khoảng 0,05 USD.

Với việc giá hợp đồng tương lai Nymex đã tăng cao kỷ lục hôm 7/3, giá bán lẻ xăng dầu được dự báo sẽ luôn duy trì ở mức cao khi các nhà sản xuất xăng dầu chạy đua chuẩn bị cho một mùa hè với lưu lượng phương tiện di chuyển lớn sắp tới.

Việc Mỹ xả khoảng 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược dường như không thể hạ nhiệt thị trường.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/toan-canh-dia-chan-tang-gia-hang-hoa-tren-the-gioi-nhung-ngay-qua-132376.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Toàn cảnh "địa chấn" tăng giá hàng hóa trên thế giới những ngày qua
    POWERED BY ONECMS & INTECH