Tổng công ty phát điện lớn nhất EVN bất ngờ nhảy vào cuộc đua dự án nhiệt điện Quảng Trị 55.000 tỷ, đối đầu T&T Group của ‘bầu Hiển’
Dự án nhiệt điện Quảng Trị 55.000 tỷ đồng do EGATi đầu tư từ 2013 nhưng gặp khó khăn về vốn, cổ đông và rút lui, khiến dự án đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây có văn bản gửi Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị giao Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) làm chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trị có tổng mức đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) cùng đối tác SK E&S (Hàn Quốc) cũng đang xúc tiến chuyển đổi dự án sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG).
EVN muốn EVNGENCO1 tiếp quản dự án nhiệt điện Quảng Trị
Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị có công suất 1.320MW, từng được Chính phủ giao cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đầu tư theo mô hình BOT từ năm 2013.
Theo Quy hoạch điện VIII, nhiệt điện Quảng Trị thuộc danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.
Đến tháng 7/2024, Bộ Công Thương đồng ý để EGATi rút lui, khiến dự án rơi vào tình trạng chưa có chủ đầu tư.
Trước tình hình đó, EVN đề xuất EVNGENCO1 – đơn vị do EVN sở hữu 100% vốn – đảm nhận dự án. EVNGENCO1 có vốn điều lệ 23.000 tỷ đồng, là Tổng công ty phát điện lớn nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đang vận hành 10 công ty phát điện với 20 nhà máy điện trên cả nước. Doanh nghiệp này đã làm chủ đầu tư thực hiện, quản lý dự án nhiệt điện Duyên Hải 1 (2x622,5MW), Duyên Hải 3 (2x622,5MW), Nghi Sơn 1 (2x300MW)... và các dự án thủy điện (Đồng Nai 3&4, Bản Vẽ, Sông Tranh...).
EVN đánh giá EVNGENCO1 có kinh nghiệm triển khai các dự án nhiệt điện quy mô lớn như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Nghi Sơn 1… Tổng công suất nguồn điện của EVNGENCO1 hiện đạt 7.844,5MW, chiếm khoảng 9,3% sản lượng điện toàn hệ thống.
EVN cho biết, EVNGENCO1 có đủ tiềm lực tài chính, thặng dư dòng tiền lớn và cam kết vận hành nhà máy vào cuối năm 2030 nếu được giao làm chủ đầu tư. Tập đoàn này cũng đề nghị Chính phủ xem xét dự án theo diện công trình điện lực khẩn cấp theo Luật Điện lực 2024.
![]() |
Ảnh: EGATi |
>> Liên danh Vinaconex (VCG) trúng gói thầu xây lắp hơn 4.300 tỷ đồng của EVN
T&T Group – SK E&S muốn chuyển đổi dự án sang LNG
Trong khi EVNGENCO1 muốn tiếp quản dự án nhiệt điện than, Liên danh T&T Group – SK E&S lại đề xuất chuyển đổi sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG), phù hợp với xu hướng giảm phát thải carbon.
Hồi tháng 4/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý chủ trương cho T&T Group và SK E&S nghiên cứu phương án chuyển đổi. Đến tháng 7/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, UBND tỉnh Quảng Trị đã ký biên bản ghi nhớ với SK E&S về việc hợp tác phát triển năng lượng bền vững.
Theo đó, liên danh này không chỉ đề xuất chuyển đổi nhiệt điện Quảng Trị từ than sang LNG mà còn nghiên cứu đầu tư kho LNG trung tâm, phát triển hydrogen xanh và tham gia thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, khẳng định tỉnh sẽ tạo điều kiện cho liên danh T&T Group – SK E&S trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư, tuân thủ theo quy định của pháp luật.
![]() |
SK E&S, tỉnh Quảng Trị và T&T Group trao biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh. (Ảnh: T&T Group) |
>> Tập đoàn T&T của bầu Hiển muốn 'rót tiền' làm khu đô thị thể thao 1.340ha tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam
Hiện UBND tỉnh Quảng Trị đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét phương án chuyển đổi LNG. Điều này đồng nghĩa với việc EVNGENCO1 muốn tiếp quản dự án sẽ phải đối mặt với bài toán về định hướng năng lượng trong tương lai.
Nếu Chính phủ ưu tiên nhiệt điện than nhằm đảm bảo tiến độ cung ứng điện quốc gia, EVNGENCO1 nhiều khả năng sẽ giành quyền đầu tư. Ngược lại, nếu xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh được ưu tiên, T&T Group và SK E&S sẽ có lợi thế lớn.
Cuộc cạnh tranh giữa Tổng công ty phát điện lớn nhất của EVN và liên danh bầu Hiển – SK E&S sẽ định đoạt tương lai của dự án nhiệt điện Quảng Trị trị giá hơn 55.000 tỷ đồng. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào định hướng của Chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh mục tiêu giảm phát thải và phát triển năng lượng bền vững.
Tập đoàn T&T của bầu Hiển muốn 'rót tiền' làm khu đô thị thể thao 1.340ha tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam
10 tuyển thủ Việt Nam được Bầu Hiển thưởng 4,4 tỷ đồng là ai?