Tổng Giám đốc OCB: Chúng tôi không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần dòng tiền và niềm tin vào startup

Minh Anh 19/07/2025 - 21:36

Ông Hải khẳng định, không coi startup là nhóm khách hàng rủi ro mà coi họ là tương lai. Và để đầu tư cho tương lai, ngân hàng phải dũng cảm thay đổi trong hiện tại.

“Bạn nhỏ hôm nay có thể là kỳ lân ngày mai. Nhưng để điều đó xảy ra, ngân hàng phải thay đổi trước đã” – thông điệp thẳng thắn, nhiều ẩn ý của ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), tại sự kiện “Banking Innovation for Startups” diễn ra chiều 18/7, đang thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng khởi nghiệp lẫn giới tài chính.

Trong bối cảnh startup Việt khát vốn nhưng liên tục bị “chặn cổng” vì thiếu tài sản đảm bảo, lời khẳng định “không cần sổ đỏ, chỉ cần dòng tiền và niềm tin vào con người” từ một lãnh đạo ngân hàng thương mại đã chạm trúng điểm nghẽn lớn nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay.

“Trong ngành ngân hàng, câu hỏi đầu tiên khi xét một khoản vay gần như luôn là: Doanh nghiệp có gì để thế chấp? Nhưng với startup, cái họ có không phải nhà xưởng hay sổ đỏ, mà là ý tưởng, tinh thần và khát vọng vươn xa”, ông Hải nói.

Thế nhưng, hệ thống tài chính lại được lập trình để tin vào thứ có thể định giá – thu hồi – xử lý, chứ chưa được đào tạo để nhìn vào năng lực con người và khả năng tạo giá trị tương lai.

Thừa nhận tư duy truyền thống rất khó thay đổi, nhưng người đứng đầu OCB cũng cho rằng, đây là thời điểm bắt buộc phải thay đổi, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi đổi mới sáng tạo.

Ông nhấn mạnh, ngân hàng không thể đứng ngoài hệ sinh thái khởi nghiệp. Nếu startup là mạch sống mới của nền kinh tế, thì ngân hàng phải là huyết mạch dẫn dòng vốn thông minh.

Và để làm được điều đó, ông Hải cho biết, OCB đang dịch chuyển cách tiếp cận từ “tài sản đảm bảo” sang “dòng tiền và con người” – những yếu tố phản ánh sức khỏe thực sự của một startup.

Tổng Giám đốc OCB: Chúng tôi không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần dòng tiền và niềm tin vào startup
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). (Ảnh: BTC).

>>> Tổng Giám đốc G-Home: Chỉ sau một đêm, hàng chục nghìn người không còn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội

Theo ông Hải, có 3 trụ cột để ngân hàng có thể đặt niềm tin vào một startup:

Founder – người sáng lập: Ông cho hay, OCB xem xét rất kỹ nhà sáng lập. Kinh nghiệm, bản lĩnh, sự cam kết, khả năng học từ thất bại… tất cả đều là tài sản vô hình nhưng cực kỳ quan trọng. Không chỉ là lý lịch đẹp, OCB tìm kiếm năng lực kiên trì và khả năng thích ứng – yếu tố sống còn trong môi trường startup đầy biến động.

Dòng tiền – sự minh bạch và ổn định: Ông Hải khẳng định, không cần thế chấp, nhưng dòng tiền phải chảy qua ngân hàng. Đó là cách để chúng tôi đánh giá và kiểm soát rủi ro. Những startup có dòng tiền thực, đều đặn từ những khách hàng uy tín như Pepsi, Coca, Microsoft… sẽ tạo dựng được niềm tin với ngân hàng.

Mô hình kinh doanh – tính khả thi và khả năng nhân rộng: Ngân hàng sẽ không đòi hỏi kế hoạch 10 năm, nhưng cần nhìn thấy cấu trúc logic, cách tạo doanh thu và thị trường mục tiêu rõ ràng. “Nếu một startup có mô hình tốt, dòng tiền rõ, lại do một founder tâm huyết vận hành, thì không có lý do gì ngân hàng lại không hỗ trợ”, ông Hải nói.

Tất nhiên, ngân hàng không thể bỏ qua rủi ro. “Chúng tôi vẫn phải tự hỏi, nếu rủi ro xảy ra, tôi thu hồi vốn bằng cách nào?”, ông Hải thẳng thắn, nhưng theo ông, rủi ro có thể được quản trị bằng dữ liệu dòng tiền, bằng hợp đồng kinh doanh minh bạch và sự gắn kết giữa ngân hàng – startup – nhà đầu tư.

Điều này đặt ra yêu cầu kép: Startup cần học cách trình bày được mô hình và làm chủ dòng tiền; Ngân hàng cần học cách định giá những giá trị vô hình – như con người và chiến lược.

“Ngân hàng đang học để hiểu startup. Vậy nên, các bạn cũng hãy học cách khiến chúng tôi tin tưởng”, ông Hải gửi lời đến cộng đồng khởi nghiệp.

Không chỉ dừng ở tuyên bố, OCB đã trực tiếp triển khai loạt mô hình cho vay không tài sản đảm bảo, tập trung vào dòng tiền, năng lực vận hành và tiềm năng tăng trưởng của startup.

Tiêu biểu như M Village – mô hình lưu trú dài hạn với doanh thu ổn định, hay Buymed (Thuocsi) – nền tảng thương mại điện tử thuốc sỉ, đều đã được OCB cấp vốn tín chấp, hỗ trợ công nghệ và kết nối hệ sinh thái mà không cần thế chấp tài sản. Riêng Ecomobi – startup công nghệ social selling hàng đầu Đông Nam Á, cũng được duyệt vay tín chấp nhờ mô hình đổi mới và tăng trưởng mạnh mẽ.

Để mở rộng kênh tiếp vốn cho startup, OCB đã liên kết cùng các quỹ đầu tư có kinh nghiệm và am hiểu thị trường, như Genesia Ventures – nơi AOZ (Ngân hàng Aozora, Nhật Bản) là nhà đầu tư chiến lược. Mô hình hợp tác này không chỉ cung cấp vốn lưu động dựa trên dòng tiền và tài sản hình thành trong tương lai, mà còn đồng hành cùng startup ở các giai đoạn phát triển quan trọng như scale-up, IPO, LBO/MBO.

Bằng cách kết nối giữa ngân hàng – quỹ đầu tư – startup, OCB đang kiến tạo một hệ sinh thái tài chính toàn diện, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ giải bài toán vốn mà còn được tư vấn chiến lược, chuẩn hóa mô hình và nâng cao năng lực quản trị để vươn ra khu vực và toàn cầu.

>>> Tổng giám đốc ACB: Chưa đầy 2 năm nữa, đầu tư crypto và vàng sẽ bùng nổ

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng

OCB bứt phá với chiến lược nhân sự bền vững - kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc và hiệu quả

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tong-giam-doc-ocb-chung-toi-khong-can-tai-san-dam-bao-chi-can-dong-tien-va-niem-tin-vao-startup-296929.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tổng Giám đốc OCB: Chúng tôi không cần tài sản đảm bảo, chỉ cần dòng tiền và niềm tin vào startup
    POWERED BY ONECMS & INTECH