Sống

Trường Quốc học 6 lần đón cầu truyền hình Olympia: Gần 130 năm tuổi, "địa chỉ đỏ" đào tạo nhân tài, là nơi hoạt động cách mạng đầu tiên của Bác Hồ

Quỳnh Như 06/10/2023 - 09:59

Trường Quốc học Huế được thành lập từ năm 1896, là trường trung học lâu đời thứ 3 của nước ta.

Tháng 4/2023, Nguyễn Minh Triết đã giành chiến thắng thuyết phục trong quý II, chương trình Đường lên đỉnh Olympia với 290 điểm. Nhờ thành tích đó, nam sinh lớp 11 đã ghi tên vào Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23. Đồng thời, chiến thắng của Minh Triết cũng giúp mang cầu truyền hình trực tiếp về Trường THPT Quốc học Huế, giúp ngôi trường xác lập kỷ lục có nhiều thí sinh lọt vào Chung kết năm Đường Lên Đỉnh Olympia nhất với tổng cộng 6 lần.

nguyen-minh-triet-olympia.jpg
Nguyễn Minh Triết là người thứ 6 mang cầu truyền hình trực tiếp về Quốc học Huế. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Không chỉ vậy, trường THPT chuyên Quốc học Huế cũng là 1 trong 3 ngôi trường lập kỷ lục có đến 2 Quán quân Olympia, đó là thí sinh Hồ Ngọc Hân (năm thứ 9) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm thứ 16).

Vẻ đẹp "cổ" nhưng không "cũ", trường tồn theo thời gian

Thường được gọi ngắn gọn là Quốc học hay Quốc học - Huế, trường THPT Chuyên Quốc học Huế được thành lập vào ngày 23/10/1896 dưới thời vua Thành Thái, với diện tích 4.237 m2. Cùng với Quốc học Quy Nhơn và Quốc học Vinh, ngôi trường này là một trong ba trường Quốc học mà Pháp lập ra ở Trung kì nhằm đào tạo lớp công chức cho Chính phủ Bảo hộ Nam triều.

Với 127 năm thành lập và hoạt động, Quốc học Huế là ngôi trường trung học phổ thông có bề dày lịch sử lâu đời thứ 3 tại Việt Nam chỉ sau trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) và THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang). Hiện trường cũng là một trong 3 trường THPT chất lượng cao của Việt Nam cùng với trường Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) và trường Chu Văn An (Hà Nội).

Ban đầu trường được xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất. Sau này khi tu sửa, nâng cấp, người ta chọn lối kiến trúc đương thời của Pháp vào đầu thế kỷ 20. Chính vì thế mà giờ đây ngôi trường mang một nét cổ kính mang hơi hướng châu Âu rất đặc trưng ở xứ Huế.

c7rv46pm.png
Quốc học Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Traveloka.

Hiện nay trường tọa lạc tại số 12 đường Lê Lợi, thành phố Huế. Rất dễ để nhận ra trường Quốc học Huế, một phần vì cổng trường được tô đỏ và xây theo lối kiến trúc cổ rất đặc biệt, một phần vì trường nằm đối diện Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (hay còn gọi là Bia Quốc Học) rất nổi bật. Là một địa điểm tham quan nổi tiếng với sự hiếu khách, những ai có hứng thú với ngôi trường này đều có thể vào thăm quan mà không tốn bất kỳ chi phí nào.

quoc-hoc-hue.jpg
Cổng trường Quốc học Huế có màu đỏ nổi bật. Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng.

Khuôn viên trường rất rộng và thích hợp cho những ai thích đi dạo từ từ mà ngắm từng ngóc ngách của trường. Giữa những tán cây và bãi cỏ xanh mướt là những tòa nhà với màu sơn đỏ hồng khiến không gian trở nên hài hòa về màu sắc.

Đa số những dãy nhà của trường đều được giữ nguyên kiến trúc Pháp. Duy chỉ có ba dãy nhà mới được xây vài năm trở lại đây để phục vụ cho các phòng ban bộ môn, phòng thí nghiệm và học sinh khối 10. Tuy nhiên, những dãy nhà mới này vẫn được xây theo lối cũ pha lẫn chút hiện đại, vì thế mà vẻ đẹp tổng thể của ngôi trường vẫn không thay đổi nhiều.

truong-quoc-hoc-hue.jpg
Ảnh: Vivu.

Sau hàng thập kỷ, Quốc học vẫn mang cho mình một dáng vẻ đạo mạo, trải đời của một người đã làm nhân chứng cho bao năm lịch sử, đồng thời cũng mang một nét dịu dàng, thanh lịch như chính những người con đất Phú Xuân này.

Tháng 3/1990, trường Quốc học được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2021, trường tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

“Địa chỉ đỏ” đào tạo nhân tài từ thời chiến tới thời bình

Năm 1908, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành là một trong số những học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba được thi vượt cấp vào trường Quốc Học. Tại đây, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có những hoạt động cách mạng đầu tiên trước khi vào Nam và ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cùng với trường Quốc học đã xây dựng tượng anh Nguyễn Tất Thành ở ngay vị trí trung tâm của trường.

nqsz4sht20231006011923.png
Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc học Huế.

Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Nguyễn Lân, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà thơ Tế Hanh, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Phạm Tuyên... cũng là cựu học sinh của trường.

Trải qua gần 130 năm, trường đã trở thành "cái nôi" sản sinh nhân tài với chất lượng đào tạo thuộc top đầu miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Từ ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, học sinh của trường đã giành được hơn 20 Huy chương Olympic quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chỉ tính riêng 5 năm (2016-2021), trường đạt kết quả toàn diện về chất lượng giáo dục khi 100% học sinh đỗ kỳ thi THPT Quốc gia và 99% học sinh đỗ đại học. Đối với khối học sinh chất lượng mũi nhọn, nhà trường có 1.298 học sinh giỏi cấp tỉnh, 307 học sinh giỏi cấp quốc gia, 38 lượt người đoạt giải sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, 7 lượt đoạt giải sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia,... Cũng trong giai đoạn này, trường có tới 5 học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic cấp châu lục và quốc tế.

Một số cựu học sinh của trường từng đoạt giải cao ở các kỳ thi trong nước và quốc tế có thể kể đến như TS. Lê Bá Khánh Trình (vô địch kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1979 với số điểm tuyệt đối 40/40), Đinh Anh Minh (HCV Olympic Vật lý quốc tế 2010), Trương Đông Hưng (HCV Olympic Sinh học quốc tế 2017), Trương Văn Quốc Đạt (HCB Olympic Sinh học quốc tế năm 2022)...

Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm có khoảng 30% học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học Huế được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của nhiều trường đại học uy tín trong và ngoài nước. Đây cũng là cái nôi đào tạo ra nhiều học sinh lọt vào Vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia nhất tới thời điểm hiện tại và đã giành được 2 Giải Nhất Chung kết năm 2009 và 2016.

Trường đại học hàng top Việt Nam doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm, học phí “đắt xắt ra miếng”, kinh doanh cả khách sạn 3 sao trong khuôn viên

Cậu học sinh xứ Huế từ ước mơ thuở ấu thơ đến chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Ngôi trường giữ kỷ lục nhiều thí sinh tham gia chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truong-quoc-hoc-6-lan-don-cau-truyen-hinh-olympia-gan-130-nam-tuoi-dia-chi-do-dao-tao-nhan-tai-la-noi-hoat-dong-cach-mang-dau-tien-cua-bac-ho-204235.html
Bài liên quan
  • Cú “sốc” kép và hành trình “phá kén” của nam sinh trường Quốc học Huế
    Trong số 145 sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học VinUni có 32% được các Tập đoàn toàn cầu mời làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn, lên tới 7.500 USD/tháng. Trong số đó, Cao Gia Bảo, tân cử nhân Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, sẽ trở thành kỹ sư nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU), top 15 thế giới theo xếp hạng QS 2024.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trường Quốc học 6 lần đón cầu truyền hình Olympia: Gần 130 năm tuổi, "địa chỉ đỏ" đào tạo nhân tài, là nơi hoạt động cách mạng đầu tiên của Bác Hồ
    POWERED BY ONECMS & INTECH