Các camera AI ở TT-Huế sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp chính quyền kiểm soát các hành vi vi phạm, gian lận tại các địa điểm công cộng, khu du lịch, điểm sát hạch lái xe.
Ngày 13/7, tin từ UBND tỉnh TT-Huế cho biết, tỉnh đang chuẩn bị triển khai mô hình camera AI trên địa bàn.
Sau khi lắp đặt, các camera AI sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm kiểm soát các hành vi vi phạm tại các địa điểm công cộng, khu du lịch, điểm sát hạch lái xe.
Trong đó, đối với các điểm sát hạch lái xe, mô hình camera AI sẽ giúp phát hiện kịp thời các hành vi gian lận.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế, mô hình này sau khi hoạt động sẽ giúp các cơ quan, đơn vị ở tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi công vụ và góp phần tinh giản biên chế.
Dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh TT-Huế vào giữa tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, thời gian qua, địa phương này đã có nhiều điểm sáng, mô hình hay trong chuyển đổi số.
Cùng với nỗ lực nâng cao hệ thống kỹ thuật, hạ tầng để phát triển đô thị thông minh, UBND tỉnh cũng đã ký kết phối hợp với Bộ Công an để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Ðề án 06.
Đến nay, tỉnh đã triển khai và từng bước nhân rộng 21/26 mô hình của Đề án 06, trong đó cơ bản đã hoàn thành 9 mô hình, đang triển khai 12 mô hình và xây dựng giải pháp triển khai 5 mô hình.
Qua quá trình triển khai, các mô hình đã phát huy hiệu quả và đem lại các giá trị, lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, đối với tiện ích đem lại cho người dân trên địa bàn, đã hoàn thành thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước công dân đối với 100% công dân đang cư trú, thu nhận hơn 535.000 hồ sơ định danh điện tử (đạt hơn 50%).
Tỉnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt với các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách Nhà nước (mô hình "Quản lý chương trình an sinh xã hội thông qua VNeID") tại 137/141 xã, phường, thị trấn, đạt tỉ lệ 97,16%.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp, tỉnh TT-Huế đã thí điểm sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân tại văn phòng công chứng và thiết bị xác minh di động, xác thực danh tính khách hàng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Cách làm này đã giúp các cơ sở nắm được thông tin về căn cước công dân của khách hàng, đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong thực hiện công chứng, chứng thực, hợp đồng cầm cố.
Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, tỉnh TT-Huế cũng đã tổ chức thí điểm phần mềm quản lý lưu trú (phần mềm ASM) tại 15 cơ sở lưu trú, 3 cơ sở khám chữa bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, phần mềm đã cập nhật hơn 10.000 thông tin khách check-in khi đến lưu trú, giúp các cơ sở nắm, quản lý khách đang cư trú, giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ. Việc ứng dụng phần mềm quản lý lưu trú đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, cư trú, du lịch, y tế trên địa bàn...