Xã hội

Từng bước hoàn thiện cơ chế để 'không thể', 'không dám', 'không muốn', 'không cần' tham nhũng

Lê Sơn 24/12/2024 - 17:14

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Từng bước hoàn thiện cơ chế để 'không thể', 'không dám', 'không muốn', 'không cần' tham nhũng- Ảnh 1.
Phát hiện và xử lý hơn 1.445 cơ quan vi phạm trong việc công khai, minh bạch - Ảnh: VGP/LS

Phát hiện và xử lý hơn 1.445 cơ quan vi phạm về công khai, minh bạch

Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhiều giải pháp phòng ngừa đã được triển khai, mang lại kết quả tích cực, góp phần kiềm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Sau 5 năm triển khai thi hành Luật PCTN, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến lớn trong công tác PCTN. Các giải pháp không ngừng được cải thiện và đi vào chiều sâu, nhấn mạnh tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Công tác này đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ sự liêm chính, xây dựng một xã hội minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Các hành vi tham nhũng không chỉ xuất hiện với mức độ tinh vi hơn mà còn bộc lộ những vấn đề trong công tác quản lý, giám sát. Những khó khăn này đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn triệt để nguy cơ tham nhũng.

Một trong những điểm nhấn của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng là việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Trong 5 năm qua, 139.208 cơ quan đã được kiểm tra về mức độ công khai, minh bạch trong hoạt động. Kết quả đã phát hiện và xử lý hơn 1.445 cơ quan vi phạm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp giám sát chặt chẽ các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN cũng được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Những vụ việc được công bố kịp thời đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Công tác rà soát, bổ sung và hoàn thiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ cũng được chú trọng. Hơn 54.000 văn bản đã được ban hành để củng cố khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý. Các cuộc kiểm tra liên quan đến việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã phát hiện 1.900 vụ việc vi phạm, xử lý hành chính 788 người, chuyển xử lý hình sự 69 người và thu hồi 177,7 tỷ đồng.

Những kết quả này thể hiện rõ sự quyết tâm trong việc xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính liêm chính và minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

235.271 công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác

Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được coi là tấm gương phản chiếu đạo đức nghề nghiệp và sự liêm chính. Trong 5 năm qua, hơn 117.848 cơ quan đã được kiểm tra về việc thực hiện quy tắc ứng xử, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt, việc nộp lại quà tặng theo quy định cũng được thực hiện nghiêm túc, với 45 trường hợp đã nộp lại tổng số tiền 739,1 triệu đồng. Đây là bước tiến quan trọng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân.

Chuyển đổi vị trí công tác được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức. Tính đến nay, 235.271 công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng theo đúng quy định của Luật PCTN.

Quá trình chuyển đổi được thực hiện đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Cổng dịch vụ công quốc gia đã được triển khai, cung cấp 19.297 thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần minh bạch hóa quy trình, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, từ đó hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng là giải pháp góp phần phòng ngừa tham nhũng. Giao dịch TTKDTM đạt 28,1 tỷ giao dịch với 615,32 triệu tỷ đồng. Số liệu cho thấy, giao dịch TTKDTM ngày càng tăng, góp phần minh bạch hóa các giao dịch tài chính, hạn chế rủi ro tham nhũng.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã tích cực thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong giai đoạn 2020-2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua đó, phát hiện và xử lý 147 người vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, việc triển khai công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về pháp lý cũng như phương pháp tiếp cận.

Dù vậy, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã tích cực thực hiện các quy định pháp luật, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ vướng mắc. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập là giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn từ gốc các hành vi tham nhũng.

Từng bước hoàn thiện cơ chế để 'không thể', 'không dám', 'không muốn', 'không cần' tham nhũng- Ảnh 2.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/LS

5 nhiệm vụ, giải pháp PCTN thời gian tới

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, với những nỗ lực không ngừng, không nghỉ, công tác PCTN đã có những bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, trong đó, nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai và phát huy tác dụng, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban hành và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên một số lĩnh vực.

Việc phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Kết quả công tác PCTN 5 năm qua được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; trên nhiều lĩnh vực, địa phương, tình hình tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan, bộ, ngành, địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra để thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác PCTN sau:

Một là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN nói riêng. Quá trình thực hiện cần nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước; quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Trong đó, ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương qua Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCTN như: công khai, minh bạch tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác; chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; việc xử lý tài sản tham nhũng, tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; tăng thẩm quyền cho các cơ quan có chức năng PCTN; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực...

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, là điều kiện nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Hai là, tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực, trong đó, vừa coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh PCTN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực, đó là PCTN một cách kiên quyết, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, đồng thời, PCTN, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTN, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án trong công tác PCTN.

Đối với ngành Thanh tra, sẽ phát huy vai trò thanh tra trong công tác PCTN, trong đó, tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong thực hiện pháp luật về PCTN; quan tâm phát hiện, xử lý tham nhũng, kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi tài sản tham nhũng.

Bốn là, phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực, tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với công tác PCTN, tiêu cực.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương để tiếp thu, học tập những kinh nghiệm về công tác PCTN theo hướng tiếp tục duy trì quan hệ với các nước, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; mở rộng quan hệ với các nước triển khai tốt công tác PCTN, gắn với thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

>>Nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng, cựu phó giám đốc sở bị đề nghị 12-14 năm tù

73 người đứng đầu và cấp phó bị xử hình sự do để xảy ra tham nhũng

Sụp đổ hình tượng: Cựu ngôi sao bóng đá Ngoại hạng Anh lĩnh án 20 năm tù vì tham nhũng

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/tung-buoc-hoan-thien-co-che-de-khong-the-khong-dam-khong-muon-khong-can-tham-nhung-102241224165752541.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từng bước hoàn thiện cơ chế để 'không thể', 'không dám', 'không muốn', 'không cần' tham nhũng
    POWERED BY ONECMS & INTECH